Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn trộm cắp mủ cao su

06:34, 05/11/2010

Ngày 12-10, CA huyện Krông Pak đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng cạo trộm mủ cao su tại hai vườn cây cao su ở thôn Thanh Bình và Thanh Xuân, xã Ea Kênh (Krông Pak) của Công ty Lâm nghiệp Phước An. Các đối tượng trên đã bị bảo vệ công ty bắt được và sau đó đã kéo đồng bọn đến giải vây, đập phá nơi ở, tấn công tổ bảo vệ khiến anh Nguyễn Trọng Bình bị trọng thương. Trước đó, CA huyện Krông Pak cũng đã kết thúc điều tra vụ trộm cắp mủ cao su, chuyển truy tố trước pháp luật 6 đối tượng gồm: Lương Văn Trường, Nông Văn Thiên, Nông Văn Khiêm, Đàm Viết Phủ, Phùng Đình Khải và Lý Văn Đại. đều trú ở thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh. Nhóm này đã vào vườn cao su ở thôn  Thanh Bình, xã Ea Kênh của Công ty Lâm nghiệp Phước An cạo trộm gần 700 kg mủ cao su đem bán lấy tiền chia nhau.

Có thể nói, tình trạng trộm cắp mủ cao su đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, khiến việc quản lý, bảo vệ của các công ty, nông lâm trường gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng nói là tình trạng này có cả sự “tiếp tay” của một số hộ dân liên kết trồng cao su và công nhân các nông lâm trường. Anh Hồ Hữu Hiến, Giám đốc Trung tâm Đầu tư và Phát triển Cà phê Ea H’đing thuộc Công ty Cao su Dak Lak, đóng tại xã Ea H’đing (Cư M’gar) cho biết: Ngoài 38 ha cao su quốc doanh, Trung tâm đã liên kết trồng cao su với gần 400 hộ dân ở các xã Ea H’đing, Cư Dliê M’nông và Ea Tar với diện tích lên đến hơn 1.260 ha theo phương thức Trung tâm đầu tư giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây, khai thác, bảo quản mủ cao su cho các hộ dân và khi khai thác, các hộ liên kết phải bán toàn bộ sản phẩm cho Trung tâm.

Thu hoạch mủ cao su ở Trung tâm ĐT&PTCS Ea H'đing - Công ty Cao su Dak Lak.
Thu hoạch mủ cao su ở Trung tâm ĐT&PTCS Ea H'đing - Công ty Cao su Dak Lak.
Thế nhưng, trong khi Trung tâm thu mua với giá theo mặt bằng chung là 66.000 đồng/ kg mủ cao su khô thì tư thương lại đẩy giá lên tới 78.000 đồng/kg. Với mức chênh lệch đó, nhiều hộ dân liên kết với trung tâm đã lén lút bán sản phẩm cho tư thương. Để tránh bị phát hiện, ban đêm các tư thương lén lút đánh xe vào các lô cao su hoặc một địa điểm nào đó rồi cho các đầu mối chân rết đi mua gom mủ cao su của các hộ dân. Hiện nay, trong khu vực trồng cao su liên kết, tư thương tổ chức khoảng 30 điểm thu gom theo kiểu này. Nhiều công nhân hoặc người làm thuê sẵn sàng lấy cắp mủ cao su khi có cơ hội. Mỗi kg mủ tươi, kẻ trộm có thể bán được từ 10 – 12 nghìn đồng và  40 – 50 ngìn đồng/kg đối với mủ khô.  Do diện tích cao su trải rộng trên địa bàn nhiều xã, lực lượng bảo vệ chuyên trách quá mỏng, các lô cao su lại có rất nhiều đường ngang ngõ tắt nên Trung tâm rất khó quản lý. Thậm chí, nếu không bắt được quả tang, có nhiều khi bảo vệ và cán bộ của trung tâm biết chắc chắn một chiếc xe tải đang chở cao su mua gom trái phép từ các hộ liên kết cũng không thể làm gì được vì họ không có quyền ra hiệu lệnh dừng xe. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, ngoài việc xử lý 80 hộ vi phạm cam kết, Trung tâm Đầu tư và Phát triển Cà phê Ea H’đing cũng mới chỉ phát hiện xử lý được 43 vụ việc, thu hồi 1.200 kg mủ cao su quy khô.

Tình trạng cạo trộm mủ cao su không chỉ gây thiệt hại về tiền của mà điều làm các chủ vườn cao su lo lắng nhất là khi cạo trộm, các đối tượng không thể cạo đúng kỹ thuật nên thường  phạm vào tận lõi khiến cho chỗ bị cạo sẽ bị thối, hỏng, vỏ cây không tái tạo nữa và về sau không thể khai thác ở vị trí đó được; thậm chí có cây bị bệnh rồi chết luôn.

Một nhóm trộm cắp mủ cao su bị CA huyện Krông Pak xử lý.
Một nhóm trộm cắp mủ cao su bị CA huyện Krông Pak xử lý.

Để tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng phức tạp nói trên, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho các hộ dân trồng cao su liên kết, Trung tâm Đầu tư và Phát triển Cà phê Ea H’đing còn tăng cường phối hợp với phòng An ninh kinh tế, CA huyện Cư M’gar, cấp ủy Đảng, chính quyền, ban CA, các đoàn thể của các xã Ea H’đing, Cư Dliê M’nông, Ea Tar để cùng vào cuộc ngăn chặn nạn trộm mủ cao su.  Đặc biệt, các lực lượng như: Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ của CA huyện và ban CA các xã đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp với các công ty, nông, lâm trường, chủ vườn cây ngăn chặn, xử lý, nạn trộm cắp mủ cao su.

 

Trọng Tính

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.