Multimedia Đọc Báo in

Một ngày bắt gọn băng nhóm chuyên trộm cắp máy tính ở các trường học

08:42, 24/09/2012

Từ tháng 5 đến giữa tháng 9-2012, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và nhiều huyện như: Cư M’gar, Krông Pak, Cư Kuin, Krông Ana…  đã xảy ra hàng loạt vụ trộm máy tính của các trường học. Trong đó, huyện Cư M’gar xảy ra 11 vụ, TP. Buôn Ma Thuột 8 vụ; điển hình là đêm 16-7, Trường THCS Đoàn Kết (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột bị mất hàng chục màn hình và linh kiện máy tính, thiệt hại gần 100 triệu đồng…

Các đối tượng trộm cắp cùng tang vật tại CA TP. BMT.
Các đối tượng trộm cắp cùng tang vật tại CA TP. BMT.

Qua nghiên cứu phương thức, thủ đoạn và quy luật gây án của loại tội phạm này trên địa bàn, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã xác lập chuyên án 137/TCC để đấu tranh, triệt phá. Xác định các vụ trộm chủ yếu do một băng nhóm chuyên nghiệp gây ra, có nhiều đối tượng am hiểu về kỹ thuật tin học và hoạt động có tổ chức, Ban chuyên án khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đi sâu nắm những băng nhóm nghi vấn, phân loại, khoanh vùng, bám sát các hoạt động của những đối tượng chính, thu thập tài liệu để đấu tranh.

Rạng sáng ngày 19-9, Công an phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) tuần tra, phát hiện 3 đối tượng đi 2 xe máy chở theo một bao hàng có biểu hiện nghi vấn. Bị kiểm tra, chúng bỏ chạy. Tổ tuần tra vây đuổi và bắt được một tên. Kiểm tra bao hàng, tổ công tác phát hiện bên trong có 3 màn hình máy tính, 2 máy in và một bảng mạch chính máy tính (main boar). Đối tượng khai hắn là Đặng Văn Hiến (SN 1994), trú tại xã Ea Na (huyện Krông Ana). Số tài sản trên là chúng vừa mới lấy trộm tại Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Ea Na, huyện Krông Ana). Ngay sau đó, 2 tên đồng bọn của Hiến là Trần Vương Trọng Nghĩa (SN 1995), HKTT tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut (tỉnh Dak Nông), đã có một tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản và Phạm Đình Thành (SN 1990), trú ở phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) đã bị bắt giữ. Tiếp đó, 7 đối tượng đều trú tại TP. Buôn Ma Thuột là: Đào Hoàng Tuấn Anh (SN 1982), trú tại 39 Trần Văn Phụ; Cao Thanh Long (SN 1990), trú tại phường Tân Lợi; Hoàng Văn Cương (SN 1982), có một tiền án về tội trộm cắp và Trần Ngọc Hùng (SN 1991), có một tiền sự về tội trộm cắp, cùng trú tại xã Ea Kao; Hoàng Minh Thùy (SN 1989) ở xã Hòa Thắng; Văn Đặng Tôn Khánh (SN 1985) ở phường Tân Lợi; Lê Văn Dần (SN 1987) ở phường Tân Thành cùng hai đối tượng liên quan khác là Trần Văn Chính (SN 1988) ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ) và Đỗ Trọng Đức (SN 1983) ở xã Ea Trul (huyện Krông Bông) cũng được đưa về Công an TP. Buôn Ma Thuột để làm việc. Bước đầu, các đối tượng khai nhận: để che mắt cơ quan chức năng và quần chúng, Đào Hoàng Tuấn Anh đứng tên thuê mặt bằng ở số 427 Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) làm bình phong cho tên Long sắm vai thợ sửa điện tử. Hắn cùng Thùy và Cương cũng hùn vốn thuê mặt bằng mở tiệm sửa điện tử tại 17 Ama Jhao (TP. Buôn Ma Thuột) cho tên Nghĩa làm thợ trá hình. Trước và trong các tiệm này, chúng mua xác đồ điện tử như ti vi, âm ly, loa… về chất thành hàng đống để nhìn qua, ai cũng tưởng chúng làm ăn lương thiện và phát đạt. Dưới sự cầm đầu của tên Anh, ban đêm chúng chia thành nhiều tốp khác nhau đi đến các trường học ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện đợi đến lúc 1-2 giờ sáng, khi bảo vệ đã ngủ say thì vào dùng kìm cộng lực cắt phá khóa, lấy trộm lap top, tháo màn hình tinh thể lỏng, linh kiện máy để bàn đem về cất giấu và bán lấy tiền chia nhau ăn xài. Trong số này, ngoại trừ Hiến mới tham gia thì bị bắt, những tên còn lại thì đều cùng đồng bọn gây án nhiều lần, riêng Long tham gia đến 23 vụ. Tổng số thiệt hại do băng nhóm trên gây ra ước tính trị giá lên đến cả tỷ đồng. Hiện, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã truy thu 36 màn hình, 6 CPU máy tính, hàng chục bảng mạch chính, 2 máy in, 2 lap top và hàng chục linh kiện máy tính khác là tang vật các vụ trộm.

Hốt trọn ổ băng nhóm trộm cắp máy tính chuyên nghiệp trong một ngày, truy thu tang vật, tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng, chuyên án 137/TCC của Công an TP. Buôn Ma Thuột đã kết thúc thắng lợi và cơ bản làm chấm dứt nạn trộm cắp máy tính trong các trường học trong tỉnh.

Trọng Tính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.