Mối nguy từ những giếng đào
Tính từ năm 2015 đến nay, trong tổng số hơn 40 vụ cứu nạn cứu hộ mà lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) tỉnh Đắk Lắk trực tiếp giải quyết thì có đến ¼ số vụ liên quan đến tai nạn ở giếng đào với 7 người chết, 7 người bị thương.
Để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, hầu hết nhà, rẫy của người dân trên địa bàn tỉnh đều có ít nhất 1 giếng đào. Do đặc điểm địa hình ở Tây Nguyên, các mạch nước ngầm nằm sâu dưới lòng đất nên giếng rất sâu với độ sâu từ 15 – 35 m, đường kính giếng từ 1 – 1,5 m, mực nước dưới giếng thường sâu khoảng từ 5 – 10 m. Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Phòng quản lý tài nguyên nước (Sở Tài nguyên - Môi trường), trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 75.000 giếng đào và trên 3.200 cái giếng khoan, khai thác trên 500 triệu m3 nước/năm để phục vụ việc tưới tiêu và khoảng trên 180.000 m3/ngày đêm để cấp nước sinh hoạt. Do tình hình hạn hán diễn biến phức tạp những năm gần đây nên số lượng giếng đào tăng không kiểm soát được, gây khó khăn cho việc quản lý, bảo vệ, sử dụng nguồn nước ngầm và tạo ra những mối nguy hiểm cho người dân.
Một giếng đào bị bỏ hoang nhưng không được che chắn cẩn thận tại một rẫy cà phê ở huyện Krông Ana. |
Ở các giếng đào có thả máy bơm phục vụ tưới cà phê, người dân thường làm thêm những thanh giằng chéo dưới lòng giếng để chằng, buộc cố định máy bơm phía dưới, phía trên có nắp bê tông kín khóa cẩn thận. Lâu ngày trong lòng giếng tích tụ các loại khí độc như cácbon ôxít, cácbon điôxít, hyđrô sunfua, metan... có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người khi xuống giếng sửa chữa máy bơm hay nạo vét giếng mà không có các biện pháp an toàn. Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp nên những giếng đào khô nước bị bỏ hoang không được che chắn cẩn thận đã vô tình trở thành “cái bẫy chết người” đối với bất kỳ ai. Đại tá Trần Kim Mai, Trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Cảnh sát PCCC tỉnh) cho biết: “Các vụ tai nạn liên quan tới giếng đào xảy ra trên địa bàn tỉnh hầu hết là do các giếng đào này không được cảnh giới, không có biển báo, không có thành giếng hay là để thành giếng có nhiều rong rêu trơn trượt dẫn đến nạn nhân vô ý rơi xuống giếng. Cũng có những vụ giếng bỏ hoang, người dân không phát hiện được dẫn đến bị rơi xuống giếng, nhất là trẻ em”.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ đưa lên thi thể nạn nhân tử vong dưới giếng ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn). |
Đa phần các vụ tai nạn liên quan đến giếng đào thường xảy ra ở các khu vực rẫy vắng vẻ, xa khu dân cư nên khó phát hiện để kịp thời cứu nạn, cứu hộ và hậu quả thường rất thương tâm. Trong nhiều trường hợp, khi lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp cận thì nạn nhân đã tử vong trước đó. Điển hình như vụ 2 mẹ con chị Lê Thị Thu Hiền và cháu Trần Trúc Bình (liên gia 6, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), cháu Bình trượt chân ngã xuống giếng, người mẹ trẻ lao theo để cứu con song cả hai đều thiệt mạng; vụ ông Nguyễn Đình Liêu và ông Phan Trọng Ninh cùng tử vong khi xuống giếng sửa máy bơm nước tưới cà phê tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn)... Chỉ có một số rất ít trường hợp may mắn được người dân phát hiện và lực lượng cứu nạn cứu hộ giải cứu kịp thời.
Để hạn chế các tai nạn đáng tiếc liên quan đến giếng đào, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về những mối nguy hiểm hiện hữu; đồng thời mỗi người dân cũng cần tự tìm hiểu, trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Lệ Hằng
Ý kiến bạn đọc