Hỏi - đáp về Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4-3-2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản
1. Xin Luật gia cho biết những loại tài sản nào theo quy định của pháp luật phải xử lý bằng hình thức bán đấu giá?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định thì những loại tài sản phải bán đấu giá bao gồm:
- Tài sản để thi hành án;
- Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
- Tài sản bảo đảm trong trường hợp quy định phải xử lý bằng bán đấu giá;
- Tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được bán đấu giá theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các tài sản khác phải bán đấu giá theo quy định của pháp luật.
2. Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 1 của Nghị định thì việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên. Cuộc bán đấu giá phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật về bán đấu giá tài sản quy định, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định, quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng thì việc xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.
Trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản đã bán do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá bảo đảm tuân theo quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người mua.
4. Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá phải nộp những khoản tiền gì?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Nghị định, khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước cho tổ chức bán đấu giá tài sản. Phí tham gia đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Khoản tiền đặt trước do tổ chức bán đấu giá và người có tài sản bán đấu giá thỏa thuận quy định từ 1% đến 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.
5. Sau khi diễn ra cuộc bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được xử lý như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 29 của Nghị định
- Trường hợp người tham gia đấu giá đã nộp khoản tiền đặt trước mua được tài sản thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc bán đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức bán đấu giá, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
6. Quyền, nghĩa vụ của người mua tài sản bán đấu giá được xác định từ thời điểm nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 36 của Nghị định, quyền và nghĩa vụ của người mua được tài sản bán đấu giá được xác định từ thời điểm đấu giá viên tuyên bố người đó mua được tài sản.
Người mua được tài sản có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản cho tổ chức bán đấu giá tài sản;
- Nhận tài sản đã mua, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ được xác định trong hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá;
- Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bán đấu giá;
- Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc