Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND

16:30, 20/03/2011

1. Nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được quy định như  thế nào ?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 1 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 31/2001/QH10 ngày 25 - 11 - 2001 của Quốc hội khóa X, Kỳ họp thứ 10 và Luật bầu cử đại biểu HĐND được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 (Luật bầu cử đại biểu HĐND) thì việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Phổ thông: Là bầu cử mà tuyệt đại đa số công dân đều có quyền bỏ phiếu chỉ trừ một số người theo quy định của pháp luật là họ không được bầu. Nguyên tắc này còn thể hiện trong việc lập danh sách cử tri; quyết định bầu cử vào ngày chủ nhật để mọi công dân đều có thể dễ dàng thực hiện quyền bầu cử của mình. Mặt khác, nguyên tắc phổ thông còn thể hiện sự không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần, nam nữ trong quy định của Luật.

- Bình đẳng: Là bầu cử theo nguyên tắc mỗi cử tri có một phiếu bầu và phiếu bầu của mọi cử tri có giá trị ngang nhau, cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi (một số nước trên thế giới có quy định số phiếu của cử tri nhiều hay ít phụ thuộc vào tài sản của mình).

- Trực tiếp: Có nghĩa là cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được ủy quyền hoặc nhờ người khác bầu hộ cho mình như ở một số nước. Nguyên tắc này còn thể hiện ở phòng bỏ phiếu, cử tri phải tự mình viết phiếu và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Đối với một số người già yếu không đi bầu cử được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu đến để họ tự bỏ phiếu.

- Bỏ phiếu kín: Có nghĩa là cử tri viết phiếu, không ai được xem, không ai được can thiệp vào ý chí của người viết phiếu để bầu. Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu khác. Nơi viết phiếu phải được ngăn cách để từng cử tri tự thể hiện ý chí của mình.
Nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín có quan hệ chặt chẽ với nhau là một thể thống nhất để bảo đảm thực sự dân chủ trong bầu cử.

2. Đại biểu Quốc hội cần có những tiêu chuẩn nào?
 Theo quy định tại Điều 3 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định cụ thể đại biểu Quốc hội có những tiêu chuẩn sau:
- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liên chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

3. Đại biểu HĐND cần có những tiêu chuẩn nào?
 Điều 3 Luật Bầu cử đại biểu HĐND quy định đại biểu HĐND có những tiêu chuẩn sau đây:
- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng, phát triển địa phương;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi vi phạm pháp luật khác, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân;
- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, có khả năng tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật; am hiểu tình hình kinh tế - xã hội để tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, ở địa phương;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, HĐND.

* Lưu ý: Điều 4 quy định công dân có đủ điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Luật này chỉ được bầu làm đại biểu HĐND không quá 2 cấp; nếu đang là đại biểu Quốc hội chỉ được bầu làm đại biểu HĐND ở một cấp.

(còn nữa)

 

Châu Thủy

 


Ý kiến bạn đọc