Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)

08:53, 04/03/2011

52.Có những cơ quan nào tiến hành tố tụng cạnh tranh?
Theo quy định tại Điều 74 Luật Cạnh tranh, cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) và Hội đồng cạnh tranh.
Cục Quản lý cạnh tranh là tổ chức trực thuộc Bộ Công Thương, có tư cách pháp nhân, có con dấu hình Quốc huy, được mở tài Khoản tại Kho bạc Nhà nước, được sử dụng con dấu riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật.

53.Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khi tiến hành tố tụng cạnh tranh?
Theo quy định tại Điều 76 Luật Cạnh tranh, khi tiến hành tố tụng cạnh tranh, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ việc cạnh tranh cụ thể;
- Kiểm tra các hoạt động điều tra của điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
- Quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
- Quyết định thay đổi điều tra viên vụ việc cạnh tranh;
- Quyết định trưng cầu giám định;
- Quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính khi chưa chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho Hội đồng cạnh tranh xử lý;
- Quyết định điều tra sơ bộ, đình chỉ điều tra, điều tra chính thức vụ việc cạnh tranh và đình chỉ giải quyết những vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh;
- Mời người làm chứng theo yêu cầu của các bên trong giai đoạn điều tra;
- Ký kết luận điều tra vụ việc cạnh tranh do điều tra viên được phân công trình;
- Chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Hội đồng cạnh tranh trong trường hợp vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh;
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh.

54.Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng cạnh tranh?
Theo quy định tại Điều 4, 5 Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 9-1-2006 về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh, Hội đồng cạnh tranh có từ 11 đến 15 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương với nhiệm kỳ là 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại.
Giúp việc cho Hội đồng cạnh tranh có Ban Thư ký Hội đồng cạnh tranh.
Hội đồng cạnh tranh do Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh đứng đầu. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trong số thành viên của Hội đồng cạnh tranh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương .

55.Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh?
Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trong số thành viên của Hội đồng cạnh tranh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có trách nhiệm tổ chức hoạt động của Hội đồng cạnh tranh.
Theo quy định tại 79 Luật Cạnh tranh, trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh để xử lý vụ việc cạnh tranh cụ thể;
- Quyết định thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần, người giám định, người phiên dịch trước khi mở phiên điều trần;
- Quyết định cử thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần thay thế người bị thay đổi tại phiên điều trần;
- Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh.

56.Thế nào là Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Luật Cạnh tranh, để giải quyết một vụ việc cạnh tranh cụ thể, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh sẽ quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm ít nhất 5 thành viên của Hội đồng cạnh tranh.

57.Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tọa phiên điều trần?
Theo quy định tại Điều 81 Luật Cạnh tranh, Chủ tọa phiên điều trần có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- Tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ việc cạnh tranh;.
- Trên cơ sở quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, ký đề nghị Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính liên quan đến vụ việc cạnh tranh; quyết định trả lại hồ sơ vụ việc cạnh tranh cho cơ quan quản lý cạnh tranh và yêu cầu điều tra bổ sung quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh;
- Trên cơ sở quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, ký quyết định mở phiên điều trần;
- Quyết định triệu tập những người tham gia phiên điều trần;
- Ký và công bố các quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các quyết định khác của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
- Tiến hành các hoạt động khác thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh.

58.Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, điều tra viên, thư ký phiên điều trần phải từ chối thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thay đổi trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 83 Luật Cạnh tranh, thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, điều tra viên, thư ký phiên điều trần phải từ chối thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Là người thân thích với bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra;
- Là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc cạnh tranh;
- Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ không vô tư khi làm nhiệm vụ.

 

(Còn nữa)

 


Ý kiến bạn đọc