Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)
66.Xin cho biết các biện pháp ngăn chặn hành chính trong tố tụng cạnh tranh?
Theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 116, trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính sau đây:
- Tạm giữ người theo thủ tục hành chính;
- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh;
- Khám người;
- Khám phương tiện vận tải, đồ vật;
- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh.
67. Ai là người có thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính?
Người có thẩm quyền quyết định áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn hành chính trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh bao gồm:
- Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh;
- Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh;
- Những người được quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của Công an cấp tỉnh; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên hoạt động có tính chất độc lập, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động; Chi cục trưởng Hải quan; Đội trưởng Đội kiểm soát thuộc Cục Hải quan; Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu và Hải đội trưởng Hải đội kiểm soát trên biển thuộc Cục điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; Chỉ huy trưởng Tiểu khu biên phòng; Chỉ huy trưởng Hải đoàn biên phòng; Chỉ huy trưởng Hải đội biên phòng; Trưởng đồn biên phòng và Thủ trưởng đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo; Hải đội trưởng, Hải đoàn trưởng Cảnh sát biển; Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời sân bay, bến cảng.
Trong trường hợp những người trên vắng mặt thì cấp phó được ủy quyền có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình (Điều 91, Khoản 2 Điều 92, Khoản 2 Điều 93 và Khoản 1 Điều 94 Nghị định số 116).
- Đối với biện pháp khám người theo thủ tục hành chính, trong trường hợp có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu hủy thì ngoài những đối tượng nói trên, chiến sỹ Cảnh sát nhân dân, cảnh sát viên Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ được khám người theo thủ tục hành chính và báo cáo ngay bằng văn bản cho thủ trưởng của mình là một trong những đối tượng nêu trên và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khám người.
68. Việc áp dụng biện pháp tạm giữ người được quy định như thế nào?
Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Việc thực hiện tạm giữ người phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về tạm giữ người. Hiện nay, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính phải tuân theo các quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 62/2004/NĐ-CP ngày 7-9-2004 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
69. Thủ tục áp dụng biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm?
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh phải được lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ tên, số lượng, chủng loại tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có chữ ký của người tạm giữ, người vi phạm. Người ra quyết định tạm giữ và người tiến hành tạm giữ có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó; nếu do lỗi của người này mà tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, thay đổi hoặc hư hỏng thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm cần được niêm phong thì phải tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng mặt thì phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức hoặc đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Đối với tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng bạc, đá quý, kim khí quý, các chất ma tuý và những vật thuộc chế độ quản lý đặc biệt khác, việc bảo quản được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với tang vật, phương tiện vi phạm là loại hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người ra quyết định tạm giữ phải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải xử lý tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo những biện pháp ghi trong quyết định xử lý hoặc trả lại cho cá nhân, tổ chức nếu không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh có thể được kéo dài đối với những vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, phương tiện. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện phải do những người có thẩm quyền áp dụng những biện pháp này quyết định.
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện của tổ chức vi phạm một bản (Điều 92 Nghị định số 116).
Ý kiến bạn đọc