Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)

09:09, 22/03/2011

70. Thủ tục khám người theo thủ tục hành chính?
Việc khám người phải có quyết định bằng văn bản, trừ trường hợp cần khám ngay khi có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện vi phạm hành chính có thể bị tẩu tán, tiêu hủy.
Trước khi tiến hành khám người, người khám phải thông báo quyết định cho người bị khám biết. Khi khám người, nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến.
Mọi trường hợp khám người đều phải lập biên bản. Quyết định khám người và biên bản khám người phải được giao cho người bị khám một bản (Điều 93 Nghị định số 116).

71. Thủ tục khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm?
Nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh là địa điểm mà tại đó người vi phạm cất giấu hiện vật, tiền, hàng hóa, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Nếu người vi phạm cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong người thì áp dụng biện pháp khám người.
Trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh là nơi ở thì người có thẩm quyền chỉ được tiến hành khám sau khi đã có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tang vật, phương tiện được cất giấu.
Nơi ở là địa điểm dùng để cư trú thường xuyên cho cá nhân hoặc hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú; có đăng ký phương tiện, nếu phương tiện là nơi cư trú thường xuyên của cá nhân, hộ gia đình.
Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện đều phải lập biên bản theo đúng mẫu quy định (Điều 94 Nghị định số 116).

72. Quyền kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 61, Khoản 2 Điều 66 và Khoản 2 Điều 71 Luật Cạnh tranh, những người sau đây có quyền kiến nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành chính:
- Bên khiếu nại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền kiến nghị đến Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh;
- Điều tra viên có quyền kiến nghị đến Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh;
- Chủ toạ phiên điều trần có quyền kiến nghị đến Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh.

73. Thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính?
Người kiến nghị Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính phải làm đơn, văn bản kiến nghị gửi đến Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh.
Đơn, văn bản kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm viết đơn;
- Tên, địa chỉ của người có kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính;
- Tên, địa chỉ của người bị kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính;
- Tóm tắt hành vi xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính;
- Biện pháp ngăn chặn hành chính cần được áp dụng và các kiến nghị cụ thể khác.
Tùy theo kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính mà người kiến nghị phải cung cấp cho Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh chứng cứ để chứng minh sự cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính đó.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, nếu người kiến nghị không phải thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc ngay sau khi người đó thực hiện biện pháp bảo đảm thì Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh phải ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính; trường hợp không chấp nhận kiến nghị thì Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh nhận đơn kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính tại phiên điều trần thì Chủ tọa phiên điều trần kiến nghị Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính ngay hoặc sau khi người kiến nghị đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm.
Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có quyền tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh nếu không có kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính (Điều 95 và 96 Nghị định số 116).

74. Việc thực hiện các biện pháp bảo đảm khi kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 116, bên khiếu nại vụ việc cạnh tranh khi nộp đơn kiến nghị Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh áp dụng một trong các biện pháp ngăn chặn hành chính phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại Kho bạc nhà nước trong một thời hạn do Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh ấn định.

76. Thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung và hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính?
Khi xét thấy biện pháp ngăn chặn hành chính đang được áp dụng không còn phù hợp mà cần thiết phải thay đổi hoặc áp dụng bổ sung biện pháp ngăn chặn hành chính khác thì thủ tục thay đổi, áp dụng bổ sung biện pháp ngăn chặn hành chính khác được thực hiện theo thủ tục như áp dụng mới biện pháp ngăn chặn hành chính.
Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh phải quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn hành chính đã được áp dụng khi có một trong các trường hợp sau đây:
- Người kiến nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính đề nghị hủy bỏ;
- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật về cạnh tranh đã hết (Điều 98 và 99 Nghị định số 116).

 

(Còn nữa)

 


Ý kiến bạn đọc