Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)

08:50, 23/03/2011

77. Cơ quan nào có thẩm quyền điều tra vụ việc cạnh tranh?
Cục Quản lýý cạnh tranh là cơ quan tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh. Khi hồ sơ khiếu nại của bên khiếu nại vụ việc cạnh tranh là hợp lệ hoặc khi Cục Quản lý cạnh tranh phát hiện thấy có dấu hiệu rõ ràng vi phạm Luật Cạnh tranh và cần phải tiến hành điều tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh sẽ chỉ định điều tra viên để tiến hành điều tra.

78.  Điều tra sơ bộ được tiến hành như thế nào?
Việc điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh được tiến hành theo quyết định của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh trong những trường hợp sau đây:
- Hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã được Cục Quản lý cạnh tranh thụ lý;
- Cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.
Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra sơ bộ. Trong thời hạn điều tra sơ bộ, điều tra viên được phân công điều tra vụ việc cạnh tranh phải hoàn thành điều tra sơ bộ và kiến nghị Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc điều tra chính thức.
Căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ và kiến nghị của điều tra viên, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh ra một trong các quyết định sau đây:
- Đình chỉ điều tra nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không có hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh;
- Điều tra chính thức nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

79. Nội dung điều tra chính thức được quy định như thế nào?
Đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, nội dung điều tra chính thức bao gồm:
- Xác minh thị trường liên quan;
- Xác minh thị phần trên thị trường liên quan của bên bị điều tra;
- Thu thập và phân tích chứng cứ về hành vi vi phạm.
Đối với vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, điều tra viên phải xác định căn cứ cho rằng bên bị điều tra đã hoặc đang thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

80. Thời hạn điều tra chính thức?
Theo quy định tại Điều 90 Luật Cạnh tranh, thời hạn điều tra chính thức được quy định như sau:
- Đối với vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, thời hạn điều tra chính thức là 180 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra; trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày;
- Đối với vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thời hạn điều tra chính thức là 90 ngày, kể từ ngày có quyết định; trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá 60 ngày;
- Việc gia hạn thời hạn điều tra phải được điều tra viên thông báo đến tất cả các bên liên quan trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày làm việc trước ngày hết hạn điều tra.

81. Vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm thì giải quyết như thế nào?
Trong quá trình điều tra, phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, điều tra viên phải kiến nghị ngay với Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.
Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thấy có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì phải trả lại hồ sơ cho Cục Quản lý cạnh tranh để tiếp tục điều tra theo thủ tục quy định tại Luật Cạnh tranh. Thời hạn điều tra được tính từ ngày nhận lại hồ sơ.

82. Điều tra bổ sung được tiến hành trong trường hợp nào?
Trường hợp nhận thấy các chứng cứ thu thập được chưa đủ để xác định hành vi hạn chế cạnh tranh vi phạm, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ quyết định trả hồ sơ để Cục Quản lý cạnh tranh điều tra bổ sung trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh. Yêu cầu điều tra bổ sung phải được thực hiện bằng văn bản.
Điều tra viên vụ việc cạnh tranh phải tiến hành điều tra bổ sung trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có yêu cầu của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 96 và Điều 100 Luật Cạnh tranh).

83. Vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng cạnh tranh bị đình chỉ trong trường hợp nào?
Theo quy định tại Điều 101 Luật Cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng cạnh tranh trong các trường hợp sau đây:
- Cục trưởng Cục Quản lýý cạnh tranh đề nghị đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đủ chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và Hội đồng xử lýý vụ việc cạnh tranh xét thấy đề nghị đó là xác đáng;
- Bên bị điều tra đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả gây ra và bên khiếu nại tự nguyện rút đơn khiếu nại;
- Bên bị điều tra đã tự nguyện chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục hậu quả gây ra và Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đề nghị đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh trong trường hợp Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra được tiến hành khi không có đơn khiếu nại.
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh phải được gửi cho bên bị điều tra, bên khiếu nại (nếu có) và Cục Quản lý cạnh tranh.

 

(Còn nữa)
[links()]

 


Ý kiến bạn đọc