Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo và hết)
90. Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Theo quy định Điều 49 và Điều 117 Luật Cạnh tranh và Nghị định số 06, Cục Quản lý cạnh tranh là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức điều tra, xử lý và xử phạt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
91. Các nguyên tắc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh?
Việc ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh của Cục Quản lý cạnh tranh phải được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
- Thứ nhất, vụ việc cạnh tranh không lành mạnh phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Quản lý cạnh tranh.
- Thứ hai, chỉ được ra quyết định xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh sau khi đã tiến hành điều tra theo quy định của Luật Cạnh tranh.
- Thứ ba, quyết định xử lý phải dựa trên các cơ sở bao gồm:
+ Nội dung điều tra chính thức của điều tra viên, trong đó xác định được căn cứ cho thấy bên bị điều tra đã hoặc đang thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
+ Báo cáo điều tra bao gồm các nội dung chủ yếu là: tóm tắt các vụ việc, các tình tiết và chứng cứ được xác minh và đề xuất các biện pháp xử lý.
+ Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng theo quy định tại Khoản 3 Điều 85 Nghị định số 116.
+ Các quy định khác có liên quan của pháp Luật Cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
92. Nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh?
Theo quy định tại Điều 137 Nghị định số 116, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Cục Quản lý cạnh tranh đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh phải có các nội dung chính sau đây:
- Số, ngày, tháng, năm của quyết định;
- Tên, địa chỉ của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người đại diện hợp pháp, luật sư của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Điều, Khoản của Luật Cạnh tranh bị vi phạm (nếu có);
- Tóm tắt nội dung vụ việc;
- Phân tích vụ việc;
- Kết luận về việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh; phân tích chứng cứ xác định hành vi vi phạm; phân tích chứng cứ xác định hành vi không vi phạm pháp luật về cạnh tranh; tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ. Nếu bên bị điều tra không vi phạm Luật Cạnh tranh thì quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh phải ghi rõ những căn cứ xác định bên bị điều tra không vi phạm pháp luật về cạnh tranh và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
- Kết luận xử lý vụ việc phải ghi rõ các quyết định xử lý của Cục Quản lý cạnh tranh đối với hành vi vi phạm, về phí xử lý vụ việc cạnh tranh và quyền khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
93. Hiệu lực của quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh?
Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ký nếu trong thời hạn đó không bị khiếu nại theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Trong trường hợp không nhất trí một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Thương mại trong thời hạn nêu trên. Những phần quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ chưa được đưa ra thi hành.
[links()]
Ý kiến bạn đọc