Multimedia Đọc Báo in

Các quy định về đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí

18:21, 30/07/2011
I. Hỏi: Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 quy định 7 đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước, tuy nhiên được biết đến thời điểm này, số đối tượng được thụ hưởng được mở rộng hơn, đề nghị Trung tâm TGPL cho biết đó là những đối tượng nào?
 
- Theo quy định tại Điều 10 Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định 07/2007/NĐ-CP ngày 12-1-2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, thì các đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý của Nhà nước gồm:
 
1. Người thuộc hộ nghèo;
2. Người có công với cách mạng;
3. Người già cô đơn; Người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa
4. Người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
5. Các đối tượng khác được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
 
Vừa qua, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 07/2011/TT-BTP ngày 31-3-2011 về hướng dẫn bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức cán bộ và hoạt động trợ giúp pháp lý, theo đó, ngoài đối tượng là phụ nữ thuộc diện hưởng TGPL theo Luật Trợ giúp pháp lý (như phụ nữ thuộc hộ gia đình nghèo, phụ nữ là người có công vv...) thì phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, của nạn buôn bán người; phụ nữ bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại tình dục; phụ nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng mà có tranh chấp, vướng mắc pháp luật… cũng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí. Đây là quy định mới của Nhà nước để phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, bảo vệ về mặt pháp lý.
 
II. Hỏi: Các đối tượng trợ giúp pháp lý theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập - cụ thể là những đối tượng nào?
 
Các đối tượng trợ giúp pháp lý theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập gồm các đối tượng:
 
1. Trẻ em bị tước quyền tự do hoặc vi phạm pháp luật hình sự;
2. Công dân các nước có ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam (Pháp, Bêlarút, Mông cổ...);
3. Các đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý theo Dự án nước ngoài trong thời gian có Dự án được ký kết. Hiện nay, việc thực hiện TGPL cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trong toàn quốc đang được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị buôn bán; ngoài ra còn một số dự án, chương trình khác cũng đang được triển khai cho người thực hiện TGPL.  
 
III. Hỏi: Hiện nay, chuẩn nghèo mới đã được ban hành theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định, vậy việc thực hiện TGPL cho người nghèo có gì thay đổi?
 
Sau khi Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30-1-2011 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, việc thực hiện TGPL cho người nghèo vẫn được triển khai bình thường như trước đây. Sự thay đổi chuẩn nghèo chỉ liên quan đến các tiêu chí bình xét hộ nghèo ở các địa phương, đối tượng là thành viên hộ nghèo chỉ cần xuất trình Sổ hộ nghèo hoặc xác nhận của chính quyền địa phương là được hưởng TGPL.
 
IV. Hỏi: Luật Người khuyết tật đã được Quốc hội thông qua ngày 17-6-2010, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Theo đó, đối tượng người tàn tật không nơi nương tựa được hưởng TGPL miễn phí cũng chính là Người khuyết tật không nơi nương tựa?
 
Đúng vậy, Luật Người khuyết tật chính thức sử dụng khái niệm “người khuyết tật” thay cho khái niệm “tàn tật” hiện hành, phù hợp với khái niệm và xu hướng nhìn nhận của thế giới về vấn đề khuyết tật. Theo quy định của Luật Người khuyết tật thì người khuyết tật được hiểu là “người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.” Như vậy, Người khuyết tật   không nơi nương tựa thuộc diện hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật Trợ giúp pháp lý.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Dak Lak

Ý kiến bạn đọc