Multimedia Đọc Báo in

Giải đáp pháp luật

19:32, 02/10/2011

*Hỏi: Tôi nộp đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu giải quyết tranh chấp giữa tôi và Công ty X. về việc vi phạm hợp đồng nhận khoán chăm sóc cà phê nhưng Tòa án huyện không thụ lý mà có công văn yêu cầu cung cấp bổ sung tài liệu, hợp đồng để chứng minh yêu cầu của tôi hợp pháp. Xin hỏi tòa án yêu cầu tôi phải cung cấp các tài liệu như vậy có đúng không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật Tố tụng dân sự, khi cần khởi kiện để giải quyết tranh chấp và khẳng định việc khởi kiện, phản tố việc kiện có căn cứ và đúng pháp luật, các đương sự phải tự mình thu thập, cung cấp và chuyển giao chứng cứ, tài liệu này cho Tòa án dân sự.

Nếu khởi kiện vụ án dân sự, nguyên đơn phải chuyển cho Tòa án đầy đủ chứng cứ và đúng pháp luật định, thì Tòa án làm các thủ tục nhận đơn, thụ lý vụ án dân sự. Còn nếu nguyên đơn (người khởi kiện) cung cấp không đủ chứng cứ cho Tòa án, thì Tòa hướng dẫn cho nguyên đơn bổ sung chứng cứ còn thiếu, và nếu vẫn không bổ sung được chứng cứ mà Tòa yêu cầu, thì Tòa án trả lại đơn cho đương sự. (Điều này rất khác với nguyên tắc của Tố tụng hình sự là khi có tội phạm xảy ra thì việc thu thập chứng cứ là thẩm quyền tố tụng của cơ quan điều tra hoặc các cơ quan, đơn vị khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra).

Các quy định này được ghi nhận tại Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự “Về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự”. Theo đó, các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do vậy, yêu cầu của Tòa án trong trường hợp ông nêu là đúng.

*Hỏi: Tòa án có quyền giải quyết những tranh chấp nào về gia đình, về kết hôn? Việc ly hôn do già làng đã giải quyết rồi nhưng người chồng yêu cầu Tòa án giải quyết thì tòa có nhận không?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 27, 28 Bộ Luật Tố tụng dân sự thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về hôn nhân - gia đình và những yêu cầu về hôn nhân và gia đình. Cụ thể:

*Những tranh chấp về hôn nhân - gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:
1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
2. Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
3. Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
5. Tranh chấp về cấp dưỡng.
6. Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
 
* Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:
1. Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
2. Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
3. Yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
4. Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
5. Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
6. Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
7. Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.

Cũng theo quy định của pháp luật, già làng và kể cả UBND các cấp cũng không có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn mà việc ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như phần trên đã nêu (theo Khoản 1 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự). Do đó, Tòa án có trách nhiệm giải quyết yêu cầu xin ly hôn nếu đương sự có đơn yêu cầu.

Trung tâm TGPL

Ý kiến bạn đọc