Tìm hiểu những quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23-7-2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Hỏi: Đăng ký giao dịch bảo đảm là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 của Nghị định, đăng ký giao dịch bảo đảm là việc cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận bảo đảm.
2. Hỏi: Theo quy định của pháp luật thì những đối tượng nào phải đăng ký giao dịch bảo đảm?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 3 của Nghị định thì những đối tượng sau đây phải đăng ký giao dịch bảo đảm:
- Thế chấp quyền sử dụng đất;
- Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng;
- Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
- Thế chấp tàu biển;
- Các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định các giao dịch bảo đảm bằng tài sản không thuộc các trường hợp quy định như trên cũng được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu.
3. Hỏi: Việc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phải được thực hiện theo những nguyên tắc nào?
Trả lời: Điều 4 của Nghị định quy định việc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phải được thực hiện theo những nguyên tắc sau đây:
- Việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển được đăng ký theo nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký, các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký và thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.
Giao dịch bảo đảm bằng tài sản khác được đăng ký theo nội dung kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký. Nội dung đơn yêu cầu đăng ký phải phù hợp với thỏa thuận của các bên tham gia giao dịch bảo đảm.
- Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện việc đăng ký theo đúng thứ tự nộp hồ sơ yêu cầu đăng ký.
- Thông tin lưu giữ trong Sổ đăng ký giao dịch bảo đảm, Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm và Hệ thống dữ liệu quốc gia về giao dịch bảo đảm được công khai cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu tìm hiểu.
4. Hỏi: Pháp luật quy định như thế nào là người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm và người yêu cầu đăng ký có những nghĩa vụ và trách nhiệm gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 5 của Nghị định thì người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc người được một trong các chủ thể này ủy quyền. Người yêu cầu đăng ký có những nghĩa vụ và trách nhiệm như sau:
- Kê khai chính xác, đúng sự thật, phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết và kê khai đầy đủ các mục thuộc diện phải kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký; lập hồ sơ đăng ký đầy đủ và không được giả mạo giấy tờ.
- Trường hợp đơn yêu cầu đăng ký có nội dung không đúng sự thật, không phù hợp với nội dung của giao dịch bảo đảm đã giao kết, hồ sơ đăng ký có giấy tờ giả mạo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại; tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
5. Hỏi: Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định như thế nào?
Trả lời: Điều 7 của Nghị định quy định thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm được xác định như sau:
- Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ;
- Tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký là thời điểm thông tin giao dịch bảo đảm ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
- Tài sản bảo đảm là các tài sản khác thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
- Đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký được xác định là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký thay đổi hợp lệ;
-Đăng ký thay đổi do bổ sung tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký được xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đó được ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
- Đăng ký thay đổi do sai sót về kê khai tài sản bảo đảm hoặc tên của bên bảo đảm, số giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm và thuộc thẩm quyền đăng ký của Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp thì thời điểm đăng ký được xác định là thời điểm nội dung đơn yêu cầu đó được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc