Multimedia Đọc Báo in

Luật Tần số vô tuyến điện - hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho việc phát triển thông tin vô tuyến điện

09:48, 30/11/2011

Tần số vô tuyến điện (VTĐ) là tài nguyên quý hiếm của quốc gia, được ứng dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế, xã hội, khoa học, an ninh quốc phòng. Trong thời gian qua, sự phát triển bùng nổ của thông tin VTĐ trong tất cả các lĩnh vực làm cho nhu cầu sử dụng phổ tần số VTĐ ngày càng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như thông tin di động, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải… Tình hình đó đặt ra yêu cầu, tần số VTĐ cần được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, sự hội tụ công nghệ, dịch vụ; sự thay đổi của thị trường thông tin VTĐ từ độc quyền sang cạnh tranh đòi hỏi phải có các cơ chế quản lý tài nguyên tần số phù hợp như cơ chế cấp phép cạnh tranh đối với các băng tần sử dụng các công nghệ mang đến giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng lớn; cơ chế chuyển, cho thuê, mượn thiết bị và giấy phép.

Luật Tần số VTĐ đã được Quốc hội Khóa XII thông qua vào kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực từ 1-7-2010. Luật gồm 8 chương, 49 điều được xây dựng nhằm hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tần số VTĐ, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Luật này quy định về quản lý, sử dụng tần số VTĐ, thiết bị VTĐ, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ VTĐ, tương thích điện từ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số VTĐ.

Việc ra đời Luật Tần số VTĐ được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi cho việc phát triển thông tin VTĐ và thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến.

Luật Tần số VTĐ có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông, trong đó có một số điểm nổi bật như:

- Áp dụng cơ chế thị trường cho việc quản lý các băng tần số VTĐ có giá trị thương mại cao để sử dụng cho việc cung cấp các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ thương mại khác, cụ thể là cấp phép bằng hình thức thi tuyển hoặc đấu giá quyền sử dụng tần số. Áp dụng các hình thức này sẽ làm cho việc cấp phép trở nên minh bạch hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn cho cộng đồng và chỉ có những doanh nghiệp có năng lực thực sự mới được cấp phép tần số để khai thác và cung cấp dịch vụ. Vì vậy có thể khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp hạn chế về năng lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực nhưng vẫn được cấp phép tần số khiến việc phát triển mạng lưới và dịch vụ chậm, hiệu quả sử dụng tần số thấp.

- Quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tần số VTĐ trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn bức xạ điện từ, đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn bức xạ điện từ. Luật này quy định cách thức quản lý cơ bản vấn đề bảo đảm an toàn bức xạ điện từ thông qua việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và yêu cầu kiểm định đối với các đài VTĐ trước khi đưa vào khai thác, sử dụng để bảo đảm mức độ an toàn về điện từ trường đối với con người và môi trường.

 - Quy định về việc đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh đã tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp trong việc đăng ký và phối hợp tần số quốc tế và quỹ đạo vệ tinh, tạo thêm nguồn lực để tăng cường khả năng phối hợp quốc tế, bảo vệ các quyền lợi quốc gia trong lĩnh vực này.

Ngoài một số điểm mới nổi bật như trên, Luật Tần số VTĐ cũng đưa ra các điểm mới đáng chú ý khác như: Cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các trường hợp tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thông qua đấu giá; cho thuê, mượn thiết bị VTĐ; sử dụng chung tần số VTĐ; quy định hành lang an toàn kỹ thuật của đài VTĐ…

Có thể nói, Luật Tần số VTĐ ra đời đã thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số trong các lĩnh vực viễn thông, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, khoa học, công nghiệp và y tế… đồng thời tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh.

L.H.T

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.