Một số quy định về tố tụng dân sự (Tiếp theo kỳ trước)
5. Hỏi: Thế nào là năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của đương sự?
Trả lời:
Điều 57, Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định:
- Năng lực pháp luật tố tụng dân sự là khả năng có các quyền, nghĩa vụ trong tố tụng dân sự do pháp luật quy định. Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có năng lực pháp luật tố tụng dân sự như nhau trong việc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
+ Đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
+ Đương sự là người chưa đủ 06 tuổi hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
+ Đương sự là người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
+ Đương sự là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường hợp này, Tòa án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
6. Hỏi: Đương sự có quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Trả lời:
- Các đương sự có các quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng.
- Theo quy định tại Điều 58, Bộ Luật Tố tụng dân sự thì khi tham gia tố tụng, đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau đây:
+ Cung cấp chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
+ Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Toà án;
+ Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá; khiếu nại với Viện kiểm sát về những chứng cứ mà Tòa án đã xác minh, thu thập do đương sự khác yêu cầu;
+ Được biết và ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ do các đương sự khác xuất trình hoặc do Tòa án thu thập;
+ Đề nghị Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án; tham gia hoà giải do Tòa án tiến hành;
+ Nhận thông báo hợp lệ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình;
+ Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
+ Tham gia phiên tòa;
+ Yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
+ Đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với nhân chứng;
+ Tranh luận tại phiên Tòa;
+ Được cấp trích lục bản án, quyết định của Tòa án;
+ Kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ luật này;
+ Phát hiện và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành các quyết định của Tòa án trong thời gian giải quyết vụ án;
+ Tôn trọng Tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên Tòa;
+ Nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;
+ Chấp hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
+ Các quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
7. Hỏi: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự bao gồm những ai?
Trả lời:
- Theo quy định tại Điều 63, Bộ Luật Tố tụng dân sự người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận để tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
- Những người sau đây được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
+ Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
+ Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục và quản chế hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát, Công an.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều đương sự trong cùng một vụ án, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của những người đó không đối lập nhau. Nhiều người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể cùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của một đương sự trong vụ án.
Ý kiến bạn đọc