Multimedia Đọc Báo in

Hỏi đáp về Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

14:42, 08/12/2012

 

15. Pháp luật quy định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm gì trong phổ biến, giáo dục pháp luật?

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp hoặc thông qua các hoạt động chuyên môn.

- Tổ chức hành nghề pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ sở đào tạo luật, chức danh tư pháp tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoạt động chuyên môn. Tạo điều kiện cho thành viên, công chức, viên chức, giảng viên, học viên, sinh viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

16. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như thế nào ?

Các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân có những trách nhiệm sau đây:

- Tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật, bố trí giáo viên dạy môn giáo dục công dân, giáo viên, giảng viên dạy pháp luật theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với gia đình và xã hội thực hiện mục tiêu giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

17. Pháp luật quy định những nội dung giáo dục pháp luật cụ thể nào được áp dụng đối với từng cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân?

Nội dung giáo dục pháp luật đối với từng cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được quy định như sau:

- Đối với giáo dục mầm non, tiểu học: được lồng ghép thông qua giáo dục đạo đức, hình thành thói quen phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tự giác, tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật;

- Đối với giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông: trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật;

- Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: trang bị kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo.

18. Trách nhiệm của cá nhân đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định như thế nào?

Trách nhiệm của cá nhân đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định cụ thể như sau:

- Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri; giám sát việc thực hiện pháp luật.

- Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tham gia tìm hiểu, học tập, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về pháp luật; gương mẫu chấp hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn, thực thi nhiệm vụ.

- Báo cáo viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công; truyền đạt chính xác nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật; không được tiết lộ bí mật Nhà nước và các hành vi bị cấm khác.

- Tuyên truyền viên pháp luật, người được mời phổ biến, giáo dục pháp luật được cung cấp văn bản pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật.

19. Gia đình có trách nhiệm gì trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật?

Các thành viên trong gia đình phải gương mẫu chấp hành pháp luật; ông, bà, cha, mẹ có trách nhiệm giáo dục và tạo điều kiện cho con, cháu tìm hiểu, học tập pháp luật, rèn luyện ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

(Còn nữa)

Trần Thị Bích Luy (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc