Tìm hiểu về Bộ luật Lao động năm 2012
1. Tôi nghe nói Quốc hội vừa ban hành Bộ luật Lao động mới, xin cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Ngày 18-6-2012, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Lao động; Bộ luật này thay thế Bộ luật Lao động đã được Quốc hội thông qua ngày 23-6-1994 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.
2. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như thế nào về thời gian thử việc và tiền lương trong thời gian thử việc? Có điểm gì mới so với quy định cũ?
Tại Điều 26 và Điều 28 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định rõ về thời gian thử việc và tiền lương trong thời gian thử việc; theo đó:
- Thời gian thử việc được căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
- Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Như vậy, so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994 thì Bộ luật Lao động mới đã nâng mức lương thử việc của người lao động trong thời gian thử việc từ mức ít nhất phải bằng 70% lên 85%; đồng thời quy định 3 mức thời gian thử việc (60 ngày, 30 ngày và 6 ngày) thay cho 2 mức là 60 ngày đối với lao động chuyên môn kỹ thuật cao và không được quá 30 ngày đối với lao động khác như trước đây.
3. Bộ luật mới quy định những trường hợp nào thì hợp đồng lao động chấm dứt? Có điểm gì mới so với trước đây?
Trả lời: Theo Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2012, hợp đồng lao động chấm dứt trong các trường hợp sau:
- Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn thì được gia hạn hợp đồng lao động đến hết nhiệm kỳ.
- Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
- Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
- Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định.
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định.
- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định.
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, so với quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994 thì Bộ luật Lao động mới đã bổ sung một số trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, như: người lao động chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết...
(Còn nữa)
Hoàng Thị Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc