Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Bộ luật Lao động năm 2012

06:11, 13/01/2013

(Tiếp theo và hết)*

10. Việc sử dụng lao động là người chưa thành niên được thực hiện theo nguyên tắc nào?

Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:

- Không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách của họ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

- Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong 1 ngày và 40 giờ trong 1 tuần.

Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ trong 1 ngày và 20 giờ trong 1 tuần và không được sử dụng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

- Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề và công việc theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác.

- Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên và người dưới 15 tuổi tham gia lao động được học văn hóa.

Như vậy, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bổ sung nguyên tắc chung không được sử dụng người chưa thành niên sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác.

11. Các công việc và nơi làm việc nào cấm sử dụng lao động chưa thành niên?

Điều 165 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định cụ thể các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên:

- Cấm sử dụng người chưa thành niên làm các công việc sau:

+ Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;

+ Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;

+ Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;

+ Phá dỡ các công trình xây dựng;

+ Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;

+ Lặn biển, đánh bắt cá xa bờ;

+ Công việc khác gây tổn hại cho sức khỏe, an toàn hoặc đạo đức của người chưa thành niên (theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định).

- Cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở các nơi sau:

+ Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;

+ Công trường xây dựng;

+ Cơ sở giết mổ gia súc;

+ Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp;

+ Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của người chưa thành niên (theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định).

12. Được biết Bộ luật Lao động năm 2012 đã bổ sung quy định về lao động là người giúp việc gia đình; xin cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Bộ luật Lao động năm 2012 đã bổ sung quy định về lao động là người giúp việc gia đình nhằm điều chỉnh dạng quan hệ việc làm đang tồn tại trong thực tế và có xu hướng ngày càng phát triển như hiện nay.

Theo đó, đã quy định:

- Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại (không theo hình thức khoán việc).

- Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; thời hạn của hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận, trong đó ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày.

13. Người sử dụng lao động là người giúp việc gia đình có nghĩa vụ gì?

Tại Điều 181 quy định người sử dụng lao động là người giúp việc gia đình có nghĩa vụ:

- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

- Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

- Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

- Bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình, nếu có thỏa thuận.

- Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề.

- Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

14. Những hành vi nào bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động là người giúp việc gia đình?

Tại Điều 183 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cấm các hành vi:

- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Hoàng Thị Thanh Tâm


Ý kiến bạn đọc