Multimedia Đọc Báo in

Về Luật Biển Việt Nam năm 2012

20:29, 06/04/2013

17. Trong thềm lục địa, Nhà nước có những quyền gì?

Theo Điều 18 của Luật, trong vùng biển này, Nhà nước thực hiện chủ quyền về thăm dò, khai thác tài nguyên, kể cả khai thác lòng đất dưới đáy biển; không ai có quyền tiến hành những hoạt động này nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.

18. Các quốc gia khác, tổ chức, cá nhân nước ngoài có được thực hiện các hoạt động gì trong thềm lục địa của Việt Nam không?

- Các quốc gia khác có quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm (phải có văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam) và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác theo quy định Luật và các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên nhưng không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định pháp luật hoặc được phép của Chính phủ.

19. Khi thực hiện quyền tự do hàng hải, tự do hàng không trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tổ chức, cá nhân không được tiến hành các hoạt động nào?

Theo Luật, họ không được: đe dọa chủ quyền, quốc phòng, an ninh của Việt Nam; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật, dòng chảy, năng lượng gió và tài nguyên phi sinh vật khác, đánh bắt hải sản trái phép; xây dựng, lắp đặt, sử dụng trái phép các thiết bị, công trình nhân tạo; khoan, đào, nghiên cứu khoa học trái phép; gây ô nhiễm môi trường biển; cướp biển, cướp có vũ trang và các hoạt động bất hợp pháp khác.

20. Nhà nước có những quyền gì đối với đảo, quần đảo của Tổ quốc?

Nhà nước thực hiện chủ quyền đối với những đảo, quần đảo của đất nước, Nhà nước; thực hiện quyền trong các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo như đối với các vùng biển tương ứng.

21. Khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân không được thực hiện những hành vi gì?

Họ không được:

- Tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí hoặc chất nổ, chất độc hại cũng như các loại phương tiện thiết bị khác có khả năng gây hại đối với người, tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển.

- Mua bán người, vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy. Nếu có căn cứ đang thực hiện hành vi này sẽ bị khám xét, kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải về nơi quy định để xử lý.

- Phát sóng trái phép hoặc tuyên truyền, gây phương hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam.

22. Việc tìm kiếm, cứu hộ và cứu nạn trên biển được quy định thế nào?

Luật Biển Việt Nam quy định mọi cá nhân, tàu thuyền tiến hành cứu giúp người, tàu thuyền gặp nạn nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm đến tàu thuyền và người đang ở trên tàu thuyền của mình; cơ quan có thẩm quyền có quyền huy động tàu thuyền Việt Nam và yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển nước ta tham gia tìm kiếm, cứu nạn nếu điều kiện cho phép và không gây nguy hiểm cho họ.

23. Luật Biển Việt Nam quy định ra sao về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển?

Theo Luật, khi hoạt động trong vùng biển Việt Nam, ngoài nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản đóng góp về bảo vệ môi trường biển thì các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ mọi quy định pháp luật về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; cụ thể:

- Không được thải, nhận chìm hay chôn lấp các loại chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác trong vùng biển.

- Khi vận chuyển, bốc, dỡ các loại hàng hóa, thiết bị có khả năng gây hại đối với tài nguyên, đời sống của con người và ô nhiễm môi trường biển: Phải sử dụng thiết bị và các biện pháp chuyên dụng theo quy định để ngăn ngừa và hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Nếu vi phạm làm ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường biển trong vùng biển, cảng biển, bến hay nơi trú đậu của Việt Nam sẽ bị xử lý; nếu gây thiệt hại thì phải làm sạch, khôi phục lại môi trường và bồi thường theo quy định của pháp luật.

24. Việc nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam đối với tàu thuyền, tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định ra sao?

Hoạt động này chỉ được thực hiện khi có Giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chịu sự giám sát của phía Việt Nam, bảo đảm cho các nhà khoa học Việt Nam được tham gia và phải cung cấp cho phía Việt Nam các tài liệu, mẫu vật gốc và các kết quả nghiên cứu liên quan.

Khi tiến hành hoạt động này, tàu thuyền, tổ chức, cá nhân phải có mục đích hòa bình; được thực hiện với phương thức và phương tiện thích hợp và không gây cản trở đối với các hoạt động hợp pháp trên biển. Nhà nước ta có quyền tham gia và có quyền được chia sẻ các tài liệu, mẫu vật gốc, sử dụng và khai thác các kết quả khoa học thu được từ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đó.

(Còn nữa)

Trần Thiên Định


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.