Multimedia Đọc Báo in

Giải đáp pháp luật

Tìm hiểu về Luật Xử lý vi phạm hành chính (Tiếp theo kỳ trước)*

09:14, 12/05/2013

20. Các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nào?

Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

- Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

- Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

- Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

21. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như thế nào?

Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định như sau:

- Đối với mỗi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

- Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập với việc tịch thu vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính (đối với những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính)

22. Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền gì trong xử phạt vi phạm hành chính?

Chủ tịch UBND cấp xã có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

-  Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng  nhưng không quá 5.000.000 đồng;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức 5.000.000 đồng;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau:

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

+ Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

+ Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

23. Đối với Chủ tịch UBND cấp huyện thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định như thế nào?

Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 50.000.000 đồng; 

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức 50.000.000 đồng;

- Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau:

+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;

+ Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;

+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

+ Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

+ Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; + Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

+ Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.

24. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền gì trong xử phạt vi phạm hành chính?

Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Áp dụng tất cả các biện pháp khắc phục hậu quả.

25. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền gì trong xử phạt vi phạm hành chính?

Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 500.000 đồng.

26. Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền gì trong xử phạt vi phạm hành chính?

Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

- Phạt cảnh cáo;

- Phạt tiền đến 3% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng nhưng không quá 1.500.000 đồng.

(Còn nữa)

Đăng Hưng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.