Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Xử lý vi phạm hành chính

10:46, 03/05/2013

11. Hình thức phạt cảnh cáo được áp dụng đối với những đối tượng vi phạm hành chính nào?

Cảnh cáo là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

12. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng đối với những đối tượng nào?

Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các hoạt động được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

13. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, cá nhân, tổ chức có được tiếp tục tiến hành các hoạt động  đã được ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề  không?

Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, cá nhân, tổ chức không được tiến hành các hoạt động ghi trong giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

14.  Đề nghị cho biết thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là bao lâu? Người nào có thẩm quyền giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn này?

Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là từ 1-24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành. Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

15. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt vi phạm hành chính được áp dụng trong các trường hợp nào?

Đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong các trường hợp sau:

- Đình chỉ một phần hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà theo quy định của pháp luật phải có giấy phép;

- Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc hoạt động khác mà theo quy định của pháp luật không phải có giấy phép và hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường và trật tự, an toàn xã hội.

16. Trường hợp nào thì áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính?

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hình thức xử phạt được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.

17. Những trường hợp nào không bị xử phạt vi phạm hành chính?

Không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau:

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

- Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;

- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính hoặc chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

18. Trong thời hạn nào thì được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính?

Trong những thời hạn sau thì được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính:

- Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.

- Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

19. Công dân, tổ chức Việt Nam vi phạm pháp luật hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì có bị xử lý hay không?

Công dân, tổ chức Việt Nam vi phạm pháp luật hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

(Còn nữa)

Đăng Hưng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.