Về việc triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh
5. Việc tổ chức truyền thông cho đối tượng thụ hưởng tại Kế hoạch được xác định bằng những hoạt động nào?
Việc tổ chức truyền thông cho đối tượng thụ hưởng được tập trung vào các hoạt động chủ yếu: rà soát, đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tại trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, đồn biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn buôn đặc biệt khó khăn. Biên soạn, in ấn, phát hành miễn phí tờ gấp, tài liệu pháp luật về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số cấp phát cho các đối tượng. Cung cấp Báo Pháp luật Việt Nam cho UBND và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo.
Tại Quyết định 59/2012/QĐ-TTg, việc đặt bảng thông tin, hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND, trung tâm bưu điện, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, đồn biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, buôn đặc biệt khó khăn được cấp kinh phí với mức: 3.000.000 đồng/xã/lần (2 lần/8 năm); 1.000.000 đồng/thôn, buôn/lần (2 lần/8 năm).
Ngoài ra, việc tổ chức truyền thông tại các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về kết quả của hoạt động cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý cũng là một kênh quan trọng và hiệu quả nhằm tuyên truyền cho công tác này.
6. Kế hoạch đề ra hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo, thôn, buôn đặc biệt khó khăn bằng các hình thức nào và do đơn vị nào thực hiện?
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý thì các đối tượng hưởng trợ giúp pháp lý được hỗ trợ bằng các hoạt động: tư vấn pháp luật; tham gia tố tụng dân sự, hình sự, hành chính, tham gia hòa giải… và các hình thức trợ giúp pháp lý khác (trừ lĩnh vực kinh doanh thương mại). Các dịch vụ này do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện và các đối tượng thụ hưởng không phải nộp phí. Ước tính chi phí hỗ trợ để thực hiện các dịch vụ pháp lý này vào khoảng 1.145.000.000 đồng với 1.500 vụ tư vấn pháp luật, 920 vụ tham gia tố tụng.
7. Kế hoạch đề ra các hoạt động nào để tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý?
Để tăng cường năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, kế hoạch nêu ra các biện pháp như mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý để cập nhật kiến thức pháp luật mới và kỹ năng trợ giúp pháp lý; cử 2 viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tham gia khóa đào tạo nghề luật sư hằng năm để tạo nguồn bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, cử cán bộ tham gia bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số do tỉnh tổ chức…
8. Trong Kế hoạch triển khai Quyết định 59 của tỉnh dự kiến sẽ có khoảng bao nhiêu đợt trợ giúp pháp lý lưu động được tổ chức? Nguồn kinh phí này được dự kiến bao nhiêu?
Kế hoạch triển khai Quyết định 59 của tỉnh dự kiến sẽ có khoảng 270 đợt trợ giúp pháp lý lưu động được tổ chức, với kinh phí hơn 1.479.000.000 đồng trong cả giai đoạn 2013 - 2020. Mức hỗ trợ cho các đợt trợ giúp pháp lý lưu động về các xã nghèo; thôn, buôn đặc biệt khó khăn: 8.000.000 đồng/xã/năm; 3.000.000 đồng/thôn, buôn/năm.
(Còn nữa)
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
Ý kiến bạn đọc