Tìm hiểu về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
(Tiếp theo)
VI. XÁC ĐỊNH CƠ QUAN CÓ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG
1. Nguyên tắc chung về xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Tại khoản 4 Điều 3 và khoản 1 Điều 14 Luật TNBTCNN đã quy định nguyên tắc chung về xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, theo đó, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính linh hoạt trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường do có những đặc thù trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ trên thực tiễn, Luật TNBTCNN cũng đã có quy định riêng về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong một số trường hợp ngoại lệ.
Các trường hợp riêng về cơ quan có trách nhiệm bồi thường được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật TNBTCNN, cụ thể bao gồm:
- Trường hợp cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể.
Trong trường hợp này, cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Nếu không có cơ quan nào kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đã bị giải thể thì cơ quan đã ra quyết định giải thể là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
- Trường hợp tại thời điểm thụ lý đơn yêu cầu bồi thường mà người thi hành công vụ gây ra thiệt hại không còn làm việc tại cơ quan quản lý người đó.
Trong trường hợp này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ tại thời điểm gây ra thiệt hại.
- Trường hợp có sự ủy quyền hoặc ủy thác thực hiện công vụ.
Nếu cơ quan được ủy quyền, cơ quan nhận ủy thác thực hiện đúng nội dung ủy quyền, ủy thác thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan ủy quyền, ủy thác.
Nếu cơ quan được ủy quyền, cơ quan nhận ủy thác thực hiện không đúng nội dung ủy quyền, ủy thác gây thiệt hại thì cơ quan được ủy quyền, nhận ủy thác là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
- Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra thiệt hại.
Trong trường hợp này, cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm chính trong vụ việc là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
- Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc cơ quan trung ương và cơ quan địa phương cùng gây ra thiệt hại. Cơ quan trung ương là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan nhà nước
Thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành Luật TNBTCNN cho thấy, ngoài những trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn có các trường hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền cũng không có sự thống nhất ý kiến về vấn đề cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Chính vì vậy, để bảo đảm thực thi nhiệm vụ quản lý chuyên ngành, Điều 5 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định về xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường, cụ thể như sau:
Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
a) Trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
b) Trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Trong trường hợp này, thời hạn ban hành văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại.
Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường được tiến hành như sau:
- Theo yêu cầu của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc gây ra thiệt hại để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
- Trong trường hợp không có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường quyết định một cơ quan trong số các cơ quan có liên quan là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;
- Văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải được gửi ngay cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường để thực hiện.
3. Thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Trong lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án dân sự, thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính được quy định tại các điều 22, 23, 24, 26 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP. Cụ thể các cơ quan có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường như sau:
- Bộ Tư pháp xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh.
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan trong phạm vi do mình quản lý.
- UBND cấp tỉnh xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện thuộc địa phương do mình quản lý.
- UBND cấp huyện xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các đơn vị do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý và UBND cấp xã thuộc địa phương do mình quản lý.
Trong lĩnh vực tố tụng, việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo nội dung cụ thể tại phần cơ quan có trách nhiệm bồi thường nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự và tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
VII. THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG
1. Xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
Một điểm cần lưu ý trong thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường là xác định căn cứ để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Căn cứ ở đây chính là có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN (Điều 4 Luật TNBTCNN). Như vậy, theo quy định này đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự Luật TNBTCNN không quy định thủ tục xác định hành vi trái pháp luật mà yêu cầu phải có văn bản của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 Luật TNBTCNN.
Riêng trong lĩnh vực quản lý hành chính, để cụ thể hóa thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, Điều 15 Luật TNBTCNN đã quy định về vấn đề này, cụ thể là:
- Cá nhân, tổ chức khi cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
- Trong thời hạn do pháp luật về khiếu nại, tố cáo quy định, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải xem xét, kết luận bằng văn bản về hành vi trái pháp luật hoặc không trái pháp luật của người thi hành công vụ.
- Thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại.
Cụ thể hóa quy định tại Điều 15 Luật TNBTCNN, Điều 10 Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26-11-2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính (Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP) đã quy định cụ thể về xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, cụ thể là:
- Khi tổ chức, cá nhân cho rằng mình bị thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính của người thi hành công vụ gây ra và muốn được Nhà nước bồi thường thì phải thực hiện thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại để yêu cầu người có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.
- Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thực hiện việc giải quyết khiếu nại đúng thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong quyết định giải quyết khiếu nại phải xác định rõ hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hay không trái pháp luật.
2. Hồ sơ yêu cầu bồi thường và thụ lý đơn yêu cầu bồi thường
2.1. Hồ sơ yêu cầu bồi thường
Điều 16 Luật TNBTCNN quy định về hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:
- Đơn yêu cầu bồi thường. Đơn yêu cầu bồi thường bao gồm các nội dung chính: Tên, địa chỉ của người yêu cầu bồi thường; lý do yêu cầu bồi thường; thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.
- Văn bản xác định hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.
2.2. Thụ lý đơn yêu cầu bồi thường
Điều 17 Luật TNBTCNN quy định về thời hạn, trình tự thụ lý đơn yêu cầu bồi thường và các công việc cần làm khi thực hiện việc thụ lý đơn, cụ thể là:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ, thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung.
- Nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình, thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người bị thiệt hại;
- Trường hợp yêu cầu bồi thường không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường.
3. Cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường
Điều 7 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định về việc cử người đại diện được thực hiện như sau:
- Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (người đại diện).
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc là vợ (hoặc chồng), ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi (bên vợ hoặc bên chồng), con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (bên vợ hoặc bên chồng), cháu nội, cháu ngoại của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người liên quan) thì tập thể lãnh đạo cơ quan cùng thảo luận, thống nhất cử một đại diện lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường.
- Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoạt động theo chế độ tập thể thì tập thể cơ quan quyết định cử người đại diện.
- Người đại diện phải có đủ các điều kiện sau đây: (1) Là cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc tương đương; (2) Có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường; (3) Không phải là người liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.
Ý kiến bạn đọc