Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

10:39, 29/09/2013

III. CƠ QUAN CÓ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

Điều 14 Luật TNBTCNN quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính là cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính được quy định tại Điều 5, 6 và 7 Thông tư số 03/2013/TT-BTP ngày 31-1-2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính như sau:

1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường thuộc phạm vi do mình quản lý trong các trường hợp sau đây:

- Giữa các UBND cấp huyện;

- Giữa các UBND cấp xã không cùng một huyện;

- Giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh;

- Giữa cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh với UBND cấp huyện trong cùng một tỉnh.

Sở Tư pháp tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh.

2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện

UBND cấp huyện xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường giữa các UBND cấp xã thuộc phạm vi do mình quản lý.

Phòng Tư pháp tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

3. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường trong các trường sau đây:

- Giữa các Bộ;

- Giữa các UBND cấp tỉnh;

- Giữa các Bộ và UBND cấp tỉnh.

Cục Bồi thường nhà nước tham mưu, giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.

IV. PHƯƠNG THỨC VÀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH

1. Phương thức giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Khi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho rằng mình bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, thì có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường theo những cách thức sau:

a) Yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình khiếu nại.

Trong quá trình khiếu nại, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giải quyết việc bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường theo cách này được thực hiện theo thủ tục do pháp luật khiếu nại quy định.

b) Yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính.

Việc yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện khi người khởi kiện trong vụ án hành chính cho rằng hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính thực hiện việc giải quyết bồi thường luôn. Trong trường hợp này, đơn khởi kiện còn phải có các nội dung sau đây:

+ Yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;

+ Nội dung yêu cầu bồi thường;

+ Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường;

+ Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến yêu cầu bồi thường.

Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được áp dụng theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

c) Yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Sau khi đã có quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Tòa án xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, người bị thiệt hại có quyền làm đơn yêu cầu bồi thường gửi tới cơ quan có trách nhiệm bồi thường để tiến hành thủ tục bồi thường theo quy định của pháp luật bồi thường của Nhà nước.

2. Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường

Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính về cơ bản được thực hiện theo thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường chung quy định tại phần pháp luật chung về bồi thường nhà nước. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu thực tế trong việc yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính, pháp luật có một số quy định đặc thù so với các lĩnh vực khác trong một số thủ tục cụ thể như sau:

a) Gửi đơn và thụ lý đơn yêu cầu bồi thường

- Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường bằng một trong các hình thức sau đây: Trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường; Gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông qua hệ thống bưu chính viễn thông.

- Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ, tài liệu kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung. Đối với những văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ mà người yêu cầu bồi thường không có khả năng cung cấp thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm thu thập những văn bản đó. Điều này có nghĩa là khi các cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ như: quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền, quyết định xử lý tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật nhưng vì bất kỳ lý do gì mà các cơ quan này không cung cấp cho người bị thiệt hại để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường có trách nhiệm thu thập những văn bản đó.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường; trường hợp cơ quan nhận đơn cho rằng vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường để được xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.

b) Xác minh thiệt hại

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Trong trường hợp cần thiết theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 18 của Luật TNBTCNN, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản, giám định thiệt hại về sức khỏe hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về việc giải quyết bồi thường.

Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường; trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.

c) Ban hành quyết định giải quyết bồi thường

Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét, ký ban hành quyết định giải quyết bồi thường.

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc