Tìm hiểu về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Phần thứ hai: TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
(Tiếp theo)
V. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
Thiệt hại được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính được quy định tại các điều từ Điều 45 đến Điều 50 Luật TNBTCNN, Điều 11 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP và từ Điều 5 đến Điều 9 của Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP. Việc xác định thiệt hại trong hoạt động quản lý hành chính về cơ bản tuân thủ các quy định về xác định thiệt hại chung được quy định tại Luật TNBTCNN. Tuy nhiên, việc xác định một số loại thiệt hại được bồi thường trong lĩnh vực này cần được quy định cụ thể như sau:
1. Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm là quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất thì thiệt hại được bồi thường được xác định theo quy định tại Điều 45 của Luật và các quy định của pháp luật có liên quan.
Thời gian tính lãi đối với các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền được tính từ ngày tiền được nộp vào ngân sách nhà nước; bị tịch thu; thi hành án; được đặt để bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền đến ngày ban hành quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định của Tòa án.
2. Xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
Đối với việc xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 2 năm liền kề trước thời điểm xảy ra thiệt hại. Thu nhập của tổ chức được xác định theo báo cáo tài chính hợp pháp của tổ chức; trường hợp không có báo cáo tài chính, tổ chức có thể chứng minh thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút bằng các tài liệu, chứng cứ hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ hai năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập thực tế của tổ chức được xác định trên cơ sở thu nhập bình quân trong thời gian hoạt động thực tế của tổ chức đó.
Đối với việc xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của cá nhân thì thu nhập thực tế của cá nhân được xác định như sau:
- Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công từ hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề của người đó trước khi xảy ra thiệt hại để xác định khoản thu nhập thực tế.
- Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt có việc làm và hàng tháng có thu nhập nhưng không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của ba tháng liền kề trước thời điểm thiệt hại xảy ra làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
- Trường hợp trước khi xảy ra thiệt hại mà người bị thiệt hại là nông dân, ngư dân, người làm muối, người trồng rừng, người làm thuê, người buôn bán nhỏ, thợ thủ công, lao động khác có thu nhập nhưng theo mùa vụ hoặc không ổn định thì lấy mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương; nếu không xác định được thu nhập trung bình thì lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường làm căn cứ để xác định khoản thu nhập thực tế.
Người bị thiệt hại (gồm cả trường hợp đã chết) được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút trong thời gian họ bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh và trong thời gian điều trị do sức khỏe bị xâm phạm. Trong thời gian này, người bị thiệt hại được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công lao động đầy đủ theo quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội thì họ không nhận được khoản tiền bồi thường tương ứng; nếu người bị thiệt hại được cơ quan, người sử dụng lao động trả lương, trả tiền công một phần thì phần còn lại được xác định là thu nhập thực tế bị giảm sút và họ được bồi thường khoản thu nhập bị giảm sút đó.
Ví dụ 1: Ông A làm nghề bán báo tự do. Do bị đưa vào cơ sở chữa bệnh trái pháp luật nên trong thời gian này ông A không có thu nhập. Thu nhập của ông A trước khi bị đưa vào cơ sở chữa bệnh là không ổn định nhưng xác định được thu nhập của ông A trong 3 tháng trước khi bị thiệt hại lần lượt là 1.200.000 đồng, 1.000.000 đồng và 1.100.000 đồng. Thu nhập thực tế của ông A được xác định là mức thu nhập trung bình của 3 tháng liền kề trước khi xảy ra thiệt hại: 1.100.000 đồng. Trường hợp này, thu nhập thực tế của ông A bị mất và ông A được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất trong thời gian bị đưa vào cơ sở chữa bệnh mỗi tháng là 1.100.000 đồng.
Ví dụ 2: Bà B làm cho một công ty tư vấn pháp luật. Thu nhập của bà B trước khi sức khỏe bị xâm phạm là ổn định, trung bình mỗi tháng là 3.000.000 đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, bà B phải điều trị và trong thời gian điều trị công ty trả cho bà B 40% tiền lương là 1.200.000 đồng, Trường hợp này, thu nhập thực tế của bà B bị giảm sút mỗi tháng là 1.800.000 đồng nên bà B được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị giảm sút trong thời gian điều trị.
Ví dụ 3: Ông C là công chức có thu nhập hàng tháng ổn định là 1.700.000 đồng. Do sức khỏe bị xâm phạm, ông C phải điều trị và trong thời gian điều trị cơ quan vẫn trả đầy đủ các khoản thu nhập cho ông C. Trường hợp này, thu nhập thực tế của ông C không bị mất nên ông C không được bồi thường khoản tiền này.
3. Xác định thiệt hại do tổn thất về tinh thần
Thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong hoạt động quản lý hành chính được xác định như sau:
- Một ngày lương tối thiểu được xác định bằng việc lấy mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định áp dụng cho công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường chia cho 22 là số ngày làm việc bình quân của mỗi tháng.
Ví dụ: Mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định là 830.000 đồng, do đó một ngày lương tối thiểu sẽ là: 830.000 đồng : 22 = 37.727 đồng.
- Số ngày bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh được xác định theo số ngày thực tế mà người được bồi thường bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Ví dụ: Ông A bị đưa vào cơ sở chữa bệnh từ ngày 1-12-2010 và đến ngày 1-3-2011 thì được ra khỏi cơ sở chữa bệnh. Ngày 20-3-2011, cơ quan có thẩm quyền xác định ông A không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh. Trong trường hợp này, thiệt hại do tổn thất về tinh thần mà ông A được bồi thường được xác định như sau:
Số ngày thực tế bị đưa vào cơ sở chữa bệnh là: 31 ngày của tháng 12-2010 + 31 ngày của tháng 1-2011 + 28 ngày của tháng 2-2011 = 90 ngày.
Số ngày lương tính theo mức lương tối thiểu được bồi thường là:
90 ngày x 2 = 180 ngày.
Trong ví dụ này, số tiền mà ông A được Nhà nước bồi thường là:
180 ngày x 37.727 đồng = 6.790.860 đồng.
Đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp người bị thiệt hại chết được xác định như sau:
- Nếu người bị thiệt hại chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà không phải do lỗi của chính họ hoặc không do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần một khoản tiền là ba trăm sáu mươi tháng lương tính theo mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.
- Nếu người bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh chết trong thời gian bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà do lỗi của chính họ hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết thì thân nhân của họ không được bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
- Khoản tiền bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần là khoản tiền bồi thường chung cho thân nhân của người bị thiệt hại (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại, người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại). Những người được bồi thường trong trường hợp này phải còn sống tại thời điểm người bị thiệt hại chết.
4. Xác định thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của thiệt hại, phù hợp với giá trung bình của từng địa phương tại thời điểm chi, bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế; chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác trước khi người bị thiệt hại chết (nếu có).
- Chi phí cho việc mai táng người bị thiệt hại chết được xác định theo mức trợ cấp mai táng theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
- Chỉ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nếu trước khi bị tạm giữ hành chính, bị đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh mà người bị thiệt hại đang thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng trong thời gian tạm giữ hành chính, bị đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh bị chết. Những người đang được người bị thiệt hại cấp dưỡng được bồi thường khoản tiền cấp dưỡng đó.
5. Xác định thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khỏe
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế; chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu theo chỉ định của bác sĩ; tiền viện phí; tiền tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sĩ; các chi phí thực tế, cần thiết khác trước khi người bị thiệt hại chết (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ và các chi phí khác để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).
Nếu cơ quan nhà nước đã thanh toán toàn bộ các chi phí này thì người bị thiệt hại không được bồi thường; trường hợp cơ quan nhà nước đã thanh toán một phần các chi phí này thì người bị thiệt hại được bồi thường phần chi phí còn lại.
- Người bị thiệt hại chỉ được bồi thường chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại nếu việc chăm sóc đó là cần thiết hoặc do cơ sở y tế yêu cầu. Các chi phí hợp lý của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị bao gồm tiền tàu, xe đi lại, tiền thuê nhà trọ theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí (nếu có).
- Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc là người không còn khả năng thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chi phí hợp lý cho người thường xuyên chăm sóc người bị thiệt hại mất khả năng lao động được tính bằng mức tiền công trung bình trả cho người chăm sóc người tàn tật ở địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc