Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
(Tiếp theo kỳ trước)*
7. Người khuyết tật do bị hạn chế trong lao động, sinh hoạt, học tập nên việc tiếp cận với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý rất khó khăn. Vậy có cách nào để người khuyết tật thuận lợi hơn trong việc nhận sự hỗ trợ về pháp lý?
Do đặc điểm của người khuyết tật bị hạn chế trong lao động, sinh hoạt, học tập… nên việc hỗ trợ về pháp lý cho người khuyết tật được thực hiện bằng nhiều cách: người khuyết tật có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện tìm đến trụ sở làm việc của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; hoặc tham gia các buổi trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc Chi nhánh Trợ giúp pháp lý tổ chức. Ngoài ra, họ cũng có thể trực tiếp yêu cầu các cộng tác viên trợ giúp pháp lý (là luật sư hoặc người có kiến thức pháp luật, có kinh nghiệm) đang công tác tại cơ quan nhà nước và ngay tại xã, phường, thị trấn và kể cả ở các thôn buôn giúp đỡ. Nếu địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tại xã thì người khuyết tật (hoặc đại diện) có thể tham gia sinh hoạt và yêu cầu Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý giúp đỡ nếu có vướng mắc pháp luật.
8. Người đại diện đương nhiên của người khuyết tật là những ai?
Người đại diện đương nhiên của người khuyết tật có thể là cha mẹ (đối với con chưa thành niên); người giám hộ (đối với người được giám hộ); chủ hộ gia đình (đối với hộ gia đình)... theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Dân sự.
9. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, các tổ chức cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi nào?
Các hành vi của tổ chức, cá nhân thực hiện trợ giúp pháp lý bị nghiêm cấm, gồm:
- Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;
- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;
- Tiết lộ thông tin, bí mật về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý và các trường hợp khác (theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về tố tụng);
- Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi;
- Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Xúi giục người được trợ giúp pháp lý khai, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
10. Người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi nào?
Các hành vi người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý bị nghiêm cấm thực hiện gồm:
- Xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Cản trở hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
11. Người khuyết tật muốn được trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng thì cần phải làm những thủ tục gì?
Người khuyết tật (hoặc người đại diện của người khuyết tật) phải có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (gửi qua bưu điện hoặc trực tiếp đến tổ chức trợ giúp pháp lý: Trung tâm, Chi nhánh hoặc văn phòng luật sư đã đăng ký tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý). Đơn yêu cầu này có thể tự viết hoặc điền sẵn vào mẫu do tổ chức trợ giúp pháp lý cung cấp. Kèm theo đơn là các giấy tờ chứng minh đối tượng thuộc diện hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định.
12. Nội dung đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý phải viết ra sao khi không có mẫu đơn?
Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý cần có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được yêu cầu thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Họ và tên, giới tính, tuổi, dân tộc, địa chỉ của người yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Diện đối tượng (là người khuyết tật);
- Tóm tắt nội dung vụ việc và nội dung yêu cầu trợ giúp pháp lý;
- Liệt kê các tài liệu gửi kèm theo đơn (nếu có);
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm đơn.
Trong trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý trực tiếp đến yêu cầu trợ giúp pháp lý mà chưa viết đơn thì người tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý phải hướng dẫn họ điền vào đơn theo mẫu. Trường hợp họ không thể tự mình viết đơn được thì người tiếp nhận yêu cầu trợ giúp pháp lý có trách nhiệm ghi đầy đủ các thông tin cần thiết vào mẫu đơn, để họ tự đọc, hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên, hoặc điểm chỉ vào đơn.
(Còn nữa)
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh
Ý kiến bạn đọc