Multimedia Đọc Báo in

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

09:10, 14/09/2013

13. Khi yêu cầu hỗ trợ pháp lý bằng việc tham gia tố tụng, các giấy tờ chứng minh đối tượng là người khuyết tật cần gửi kèm là gì?

Đối với người khuyết tật, cần gửi kèm giấy tờ chứng minh như: giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy xác nhận của cơ sở Bảo trợ xã hội, Hội Người khuyết tật hoặc của cơ sở trợ giúp người khuyết tật khác... 

Trường hợp người đến yêu cầu trợ giúp pháp lý là người đại diện cho người khuyết tật thì ngoài giấy tờ chứng minh của đối tượng, người đến yêu cầu thay phải xuất trình thêm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu hoặc giấy ủy quyền của đối tượng...

14. Trong quá trình hỗ trợ người khuyết tật bằng hình thức tham gia tố tụng, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ tiến hành những việc gì?

Sau khi kiểm tra tính hợp lệ của các giấy tờ chứng minh đối tượng và các tài liệu khác liên quan, Giám đốc Trung tâm hoặc Trưởng Chi nhánh hoặc Trưởng văn phòng luật sư sẽ ra quyết định cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 29 và Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý.

Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định cử người tham gia tố tụng, Giám đốc Trung tâm, Trưởng Chi nhánh, Trưởng văn phòng luật sư phải gửi quyết định đến cơ quan tiến hành tố tụng, người được trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý (trợ giúp viên, luật sư cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc luật sư của Văn phòng luật sư) có nghĩa vụ thực hiện các công việc cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về trợ giúp pháp lý để hỗ trợ đối tượng trong suốt quá trình tố tụng từ khi được xử cho đến khi kết thúc vụ việc.

15. Người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để hỗ trợ người khuyết tật với tư cách gì?

Tùy trường hợp người khuyết tật có thể là người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án hình sự, là người nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi liên quan trong vụ việc dân sự...; đồng thời tùy theo quyết định phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng, người thực hiện trợ giúp pháp lý sẽ có tư cách như sau:

- Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; người bảo vệ quyền lợi của đương sự theo quy định Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự, điểm b khoản 3 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý;

- Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự;

- Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng hành chính với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính;

- Luật sư là cộng tác viên, luật sư tham gia tố tụng với tư cách: người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án hình sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự; người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính.

16. Trường hợp nào thì người thực hiện trợ giúp pháp lý được từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật?

Theo quy định tại Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý thì vụ việc trợ giúp pháp lý bị từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện khi phát hiện người có yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải là người khuyết tật hoặc không phải thành viên hộ nghèo, người có công… thuộc diện hưởng trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc, vi phạm nghiêm trọng nội quy hoặc có hành vi làm mất trật tự nơi thực hiện trợ giúp pháp lý; xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý; người được trợ giúp pháp lý rút yêu cầu trợ giúp pháp lý; vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp; vụ việc trợ giúp pháp lý không liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý và thuộc về lĩnh vực kinh doanh, thương mại; vụ việc trợ giúp pháp lý không thuộc phạm vi thực hiện trợ giúp pháp lý theo Điều 26 Luật Trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý không cư trú tại địa phương, vụ việc trợ giúp pháp lý không xảy ra tại địa phương…).

17. Trường hợp nào thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật?

Người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là một bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp hòa giải, giải đáp pháp luật;

b) Có quyền, lợi ích hợp pháp hoặc có người thân thích liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Người thực hiện trợ giúp pháp lý đã từng là người giải quyết vụ việc đó;

d) Có căn cứ khác cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý.

18. Trong trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý phải từ chối hoặc không được tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải làm gì?

Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý phải cử người khác thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc người thực hiện trợ giúp pháp lý hướng dẫn, giới thiệu người được trợ giúp pháp lý đến người thực hiện trợ giúp pháp lý khác để được trợ giúp pháp lý; sau đó phải thông báo rõ lý do bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý.

Minh Phương


Ý kiến bạn đọc