Tìm hiểu về Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Phần thứ ba: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG
I. Ý NGHĨA VÀ VAI TRÒ CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG
1. Yêu cầu thực tiễn đòi hỏi phải quản lý nhà nước về công tác bồi thường
Luật TNBTCNN quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo mô hình phân tán. Do đó, bất kỳ một cơ quan nào trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở các cấp cũng có thể trở thành cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Thực tế này đặt ra một số yêu cầu đối với hoạt động giải quyết bồi thường nhà nước đặc biệt là trong điều kiện mà người bị thiệt hại vốn đã ở vị trí yếu thế hơn cơ quan nhà nước trong quan hệ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cụ thể là:
Thứ nhất, để thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường, trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại không thể tự mình xác định được cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản thân từ phía các cơ quan có liên quan cũng không có sự thống nhất về trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, do không phải là một hoạt động nghiệp vụ thường xuyên nên cơ quan có trách nhiệm bồi thường hay bị động và thiếu kỹ năng, nghiệp vụ trong việc giải quyết bồi thường.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy, cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại nên khó tránh khỏi việc phát sinh tâm lý né tránh, ngại va chạm vì phải xác định trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ do mình quản lý, dẫn tới việc giải quyết bồi thường bị chậm trễ, kéo dài, thậm chí có trường hợp không thực hiện việc giải quyết.
Thứ ba, thủ tục giải quyết bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN chặt chẽ và đòi hỏi phải áp dụng pháp luật đúng đắn và thống nhất trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xác định thiệt hại được bồi thường. Trong khi cơ quan có trách nhiệm bồi thường lại có thể từ cấp trung ương đến cấp xã - đây là các cơ quan không có đơn vị tham mưu chuyên sâu về pháp luật như Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các Bộ, ngành. Do đó, thực tế sẽ gặp phải khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong quá trình giải quyết bồi thường, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại.
Thứ tư, hệ quả của hoạt động giải quyết bồi thường là việc sử dụng ngân sách nhà nước và các lợi ích khác liên quan đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người thi hành công vụ. Chính vì vậy, việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, vì có thể xảy ra sự lạm dụng trong quá trình giải quyết bồi thường như: Việc ban hành quyết định bồi thường không có căn cứ pháp luật hoặc không phù hợp với thực tế để làm căn cứ sử dụng ngân sách nhà nước trái pháp luật thông qua việc chi trả tiền bồi thường...
2. Vai trò của quản lý nhà nước về công tác bồi thường
Xuất phát từ những đặc điểm nêu trên và để bảo đảm tính khả thi của cơ chế bồi thường nhà nước, Điều 11 của Luật TNBTCNN đã quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường và giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án; phối hợp với TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng.
Hướng dẫn quy định nêu trên, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể về nội dung quản lý nhà nước. Bên cạnh các nhiệm vụ quản lý nhà nước nói chung như các lĩnh vực khác, quản lý nhà nước về công tác bồi thường còn bao gồm các nội dung chuyên ngành đặc thù như: Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ; hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường; theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường; theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả; giải đáp vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước...
Quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước có ý nghĩa thúc đẩy việc thực hiện cơ chế bồi thường nhà nước trên cả hai phương diện: Một là, kịp thời giải đáp vướng mắc, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cơ quan có trách nhiệm bồi thường; Hai là, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước. Do đó, tăng cường hoạt động quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN nói chung, việc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại nói riêng, cụ thể là:
Thứ nhất, thông qua việc theo dõi tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước, chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có thể kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN được thông suốt.
Thứ hai, để hoạt động giải quyết bồi thường được thống nhất trên phạm vi toàn quốc, thì việc kịp thời hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cơ quan có trách nhiệm bồi thường là rất cần thiết, đặc biệt là đối với các lĩnh vực phức tạp, thường xuyên phát sinh các vụ việc yêu cầu bồi thường.
Thứ ba, bằng công tác kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thể kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết bồi thường, nắm bắt được thực tiễn phát sinh từ hoạt động giải quyết bồi thường của cơ quan có trách nhiệm bồi thường để có hướng dẫn cụ thể, qua đó, thúc đẩy hoạt động giải quyết bồi thường được thực hiện nhanh chóng và đúng pháp luật.
Thứ tư, thông qua hoạt động tham gia thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bồi thường nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có thể phát hiện những sai phạm trong việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ năm, về phía người bị thiệt hại, để giúp họ thực hiện hiệu quả và đúng pháp luật quyền yêu cầu bồi thường của mình, thông qua công tác giải đáp vướng mắc, hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giải quyết bồi thường, giúp người bị thiệt hại đánh giá, cân nhắc về việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình, tránh lãng phí về thời gian và tiền bạc đối với người bị thiệt hại và cũng qua đó là một kênh thông tin để theo dõi, thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành khác về công tác bồi thường nhà nước.
II. NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG
Cụ thể hóa các quy định của Luật TNBTCNN, Điều 21 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể nội dung quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, cụ thể là:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Phổ biến, tuyên truyền Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường.
- Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ thực hiện công tác giải quyết bồi thường.
- Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
- Theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết bồi thường.
- Theo dõi, đôn đốc việc chi trả tiền bồi thường và thực hiện trách nhiệm hoàn trả.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
- Thống kê, tổng kết, đánh giá việc thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc