Multimedia Đọc Báo in

Luật phổ biến, giáo dục pháp luật

15:19, 04/11/2013

LTS: Thực hiện quyết định của UBND tỉnh về kế hoạch tổ chức “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, kể từ số báo này, Báo Dak Lak trích đăng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2013). 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 2. Quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân

1. Công dân có quyền được thông tin về pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.

2. Nhà nước bảo đảm, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền được thông tin về pháp luật.

Điều 3. Chính sách của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

2. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được lồng ghép trong chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; là một nội dung trong chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

Điều 4. Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 5. Các nguyên tắc phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực.

2. Kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.

3. Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

4. Gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của địa phương và đời sống hằng ngày của người dân.

5. Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội.         

Điều 6. Quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Nội dung quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:

a) Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

c) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;

đ) Thống kê, tổng kết về phổ biến, giáo dục pháp luật;

e) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong phổ biến, giáo dục pháp luật;

g) Hợp tác quốc tế về phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm:

a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật; chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật;

c) Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật;

d) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương.

Điều 7. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật

1. Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật được thành lập ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ là Bộ Tư pháp, của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Sở Tư pháp, của Ủy ban nhân dân cấp huyện là Phòng Tư pháp.

3. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 8. Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 9. Các hành vi bị cấm

1. Truyền đạt sai lệch, phê phán nội dung pháp luật được phổ biến; không cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật, trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

2. Lợi dụng phổ biến, giáo dục pháp luật để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Cản trở việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

4. Lợi dụng việc thực hiện quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật để gây cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

(Còn  nữa)


Ý kiến bạn đọc