Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Xuất bản

10:55, 09/11/2013

6. Việc xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản được quy định như thế nào?

Việc xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản được quy định như sau:

- Nếu tổ chức có hành vi vi phạm quy định trong hoạt động xuất bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Nếu cá nhân có hành vi vi phạm quy định trong hoạt động xuất bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Nếu xuất bản phẩm có vi phạm thì bị đình chỉ phát hành có thời hạn và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy.

- Nếu xuất bản phẩm điện tử có vi phạm thì bị đưa ra khỏi phương tiện điện tử và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải sửa chữa mới được phát hành hoặc bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy.

- Nếu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất bản thì bị xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình; trường hợp quyết định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

7. Những đối tượng nào được phép thành lập nhà xuất bản? Nhà xuất bản được tổ chức theo những loại hình nào?

Những đối tượng được phép thành lập nhà xuất bản (gọi chung là cơ quan chủ quản nhà xuất bản) bao gồm:

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và cấp tỉnh;

- Đơn vị sự nghiệp công lập ở trung ương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm và tài liệu khoa học, học thuật.

Nhà xuất bản tổ chức và hoạt động theo 2 loại hình là: đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu.

8. Để thành lập nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng được những điều kiện gì?

Để được thành lập nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức phải đáp ứng được những điều kiện sau:

- Có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản;

- Có người đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với chức danh tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập để bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập và có ít nhất 5 biên tập viên cơ hữu;

- Có trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản do Chính phủ quy định;

- Phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Nhà xuất bản bị đình chỉ hoạt động có thời hạn trong những trường hợp nào?

Nhà xuất bản bị đình chỉ hoạt động có thời hạn trong các trường hợp:

- Sau khi thành lập và trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản và nhà xuất bản không đáp ứng đủ các điều kiện về thành lập nhà xuất bản như: tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ, xuất bản phẩm chủ yếu; bổ nhiệm tổng giám đốc (giám đốc), tổng biên tập, số biên tập viên cơ hữu; trụ sở, nguồn tài chính và các điều kiện cần thiết khác…

- Nhà xuất bản thực hiện không đúng nội dung ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản;

- Nhà xuất bản vi phạm quy định của pháp luật về xuất bản mà bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động.

10. Nhà xuất bản bị thu hồi giấy phép thành lập trong những trường hợp nào?

Trong những trường hợp sau đây, giấy phép thành lập nhà xuất bản sẽ bị thu hồi:

- Hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

- Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản mà cơ quan chủ quản không ra quyết định thành lập nhà xuất bản;

- Trong thời hạn 12 tháng liên tục mà nhà xuất bản không có xuất bản phẩm nộp lưu chiểu;

- Không đáp ứng đủ các điều kiện quy định về thành lập nhà xuất bản và gây hậu quả nghiêm trọng;

- Vi phạm nghiêm trọng các quy định khác của pháp luật.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc