Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

09:01, 14/03/2014

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28-11-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014 (gọi tắt là Hiến pháp năm 2013). Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992), với bố cục cụ thể: Chương 1: Chế độ chính trị; Chương 2: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương 3: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Chương 4: Bảo vệ Tổ quốc; Chương 5: Quốc hội; Chương 6: Chủ tịch nước; Chương 7: Chính phủ; Chương 8: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Chương 9: Chính quyền địa phương; Chương 10: Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước; Chương 11: Hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp. Như vậy, sau hơn 21 năm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã có bản Hiến pháp mới, bản Hiến pháp thể chế hóa được những đường lối, chính sách lớn của Đảng, ghi nhận được những thành tựu của hơn 25 năm đổi mới, xứng tầm của một bản Hiến pháp mang tính ổn định, lâu dài. Xin giới thiệu tới độc giả các nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 2013 để có cái nhìn khái quát và tổng thể về bản Hiến pháp này.

1. Trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua và có hiệu lực, lịch sử lập hiến nước ta đã trải qua mấy bản Hiến pháp, đó là những bản Hiến pháp nào?

Trước khi Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực, lịch sử lập hiến nước ta đã trải qua 4 bản Hiến pháp, đó là: Hiến pháp năm 1946; Hiến pháp năm 1959; Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Hiến pháp năm 2013 chính là sự kế thừa và phát huy của 4 bản Hiến pháp này.

2. Về bố cục, Hiến pháp năm 2013 có điểm gì thay đổi so với Hiến pháp năm 1992?

Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992). So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 chỉ giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều.

Trật tự các chương của Hiến pháp năm 1992 cũng có sự sắp xếp lại như:

Chương 11: Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Thủ đô, Ngày Quốc khánh được ghép vào Chương 1: Chế độ chính trị của Hiến pháp năm 2013.

Chương 5: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đưa lên Chương 2 của Hiến pháp năm 2013 với tên gọi: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.  

Hiến pháp năm 2013 bổ sung thêm một chương hoàn toàn mới, đó là Chương 10: Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước.

3. Bản chất Nhà nước, vai trò chủ thể, chủ quyền của nhân dân được ghi nhận như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Trong Hiến pháp năm 2013, bản chất Nhà nước, vai trò chủ thể, chủ quyền của nhân dân được quy định tại Điều 2:

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

4. Quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như thế nào?

Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​