Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013
15. Bên cạnh các quyền, Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về nghĩa vụ của công dân, của mọi người?
Quyền lợi luôn đi cùng với nghĩa vụ, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định về nghĩa vụ của công dân, của mọi người tại Điều 15:
Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.
Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác.
Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.
Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
16. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, người nào được công nhận là công dân Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 17, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.
Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ.
17. Về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chính sách của Nhà nước ta đối với bộ phận này như thế nào?
Hiến pháp năm 2013 quy định mật thiết hơn mối quan hệ giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với Nhà nước Việt Nam tại Điều 18:
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
18. Các quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư được đề cập như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?
So với Hiến pháp năm 1992, các quyền bình đẳng trước pháp luật; quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư được quy định rõ ràng, chi tiết hơn tại Hiến pháp năm 2013, cụ thể:
- Về quyền bình đẳng trước pháp luật - Điều 16: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
- Về quyền sống - Điều 19: Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
- Về quyền bất khả xâm phạm về thân thể - Điều 20: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.
Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.
- Về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư - Điều 21: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
(Còn nữa)
Bùi Thị Trang
Ý kiến bạn đọc