Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

08:41, 11/04/2014

19. Các quyền có nơi ở; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận; quyền bình đẳng giới được đề cập như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Hiến pháp năm 2013 quy định về các quyền có nơi ở; quyền tự do đi lại và cư trú; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận; quyền bình đẳng giới như sau:

- Về quyền có nơi ở - Điều 22: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Việc khám xét chỗ ở do luật định.

- Về quyền tự do đi lại và cư trú - Điều 23: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

- Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - Điều 24: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

- Về quyền tự do ngôn luận - Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

- Về quyền bình đẳng giới - Điều 26: Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới.

Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.

20. Các quyền bầu cử và ứng cử; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền biểu quyết; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền sở hữu tư nhân được đề cập như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Hiến pháp năm 2013 quy định về các quyền bầu cử và ứng cử; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; quyền biểu quyết; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền sở hữu tư nhân như sau:

- Về quyền bầu cử và ứng cử - Điều 27: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

- Về quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội - Điều 28: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.

Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

- Về quyền biểu quyết - Điều 29: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.

- Về quyền khiếu nại, tố cáo - Điều 30: Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.

- Về quyền sở hữu tư nhân - Điều 32: Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.

Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.

Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc