Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

09:10, 19/04/2014

 21. Các quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp được đề cập như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Trong Hiến pháp năm 2013, các quyền liên quan đến tố tụng, tư pháp được quy định như sau:

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai.

Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm.

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.

 22. Các quyền tự do kinh doanh; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền làm việc; quyền kết hôn, ly hôn; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền học tập; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; quyền xác định dân tộc; quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền bảo vệ Tổ quốc được đề cập như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Hiến pháp năm 2013 quy định về các quyền tự do kinh doanh; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền làm việc; quyền kết hôn, ly hôn; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền học tập; quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; quyền xác định dân tộc; quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền bảo vệ Tổ quốc như sau:

- Về quyền tự do kinh doanh - Điều 33: Mọi người được quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.

- Về quyền được bảo đảm an sinh xã hội - Điều 34: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

- Về quyền làm việc - Điều 35: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.

Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu.

- Về quyền kết hôn, ly hôn - Điều 36: Nam nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

- Về quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe - Điều 38: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng.

- Về quyền học tập - Điều 39: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

- Về quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ - Điều 40: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.

- Về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa - Điều 41: Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.

- Về quyền xác định dân tộc - Điều 42: Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp.

- Về quyền được sống trong môi trường trong lành - Điều 43: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

- Về quyền bảo vệ Tổ quốc - Điều 45: Bảo vệ Tổ quốc là quyền cao quý của công dân.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc