Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

14:25, 05/05/2014

26. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về tính chất và mô hình của nền kinh tế nước ta?

Trên cơ sở kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định về tính chất và mô hình của nền kinh tế tại Điều 50:

“Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Quy định như vậy vừa thể hiện được bản chất, vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội.

27. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về các thành phần của nền kinh tế? So với Hiến pháp năm 1992, quy định này có những điểm gì mới?

Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định về các thành phần kinh tế:

“1. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

2. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.

3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.”

So với Hiến pháp năm 1992, quy định này có hai điểm mới. Điểm mới đầu tiên là Hiến pháp năm 2013 không nêu cụ thể tất cả các thành phần của nền kinh tế như Hiến pháp năm 1992 (Điều 16 Hiến pháp năm 1992: “Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước là làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân trên cơ sở phát huy mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…”). Việc không liệt kê cụ thể các thành phần kinh tế là phù hợp với tính chất quy định của đạo luật cơ bản, còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế sẽ được xác định trong các luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước.

Điểm mới thứ hai là tới Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được ghi nhận trong Hiến pháp.

28. Các quy định về quản lý và sử dụng đất đai được ghi nhận như thế nào trong Hiến pháp năm 2013? So với Hiến pháp năm 1992, quy định này có những điểm gì mới?

Các quy định về quản lý và sử dụng đất đai được ghi nhận tại Điều 53 và Điều 54 Hiến pháp năm 2013:

Điều 53: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.”

Điều 54: “1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.

3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai”.

Xuất phát từ vai trò và ý nghĩa quan trọng của đất đai - là lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia, tư liệu sản xuất chủ yếu, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Điểm mới đầu tiên ở quy định về quản lý, sử dụng đất đai là Hiến pháp năm 2013 bổ sung quy định “Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ” (khoản 2) để thể hiện thái độ tôn trọng, bảo vệ của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tiếp tục phòng, chống và xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong thực hiện pháp luật về đất đai. Điểm mới thứ hai là bổ sung quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” (khoản 3). Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế - xã hội còn rất cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án kinh tế - xã hội phải gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng… Điểm mới thứ ba là bổ sung quy định “trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai” (khoản 4) để thống nhất với quy định tại Điều 32 của Hiến pháp về trưng dụng tài sản, đồng thời, làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định về trưng dụng đất trong Luật Đất đai và các luật có liên quan.

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​