Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013

09:23, 17/05/2014

31. Các chính sách về: giáo dục; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?

Hiến pháp năm 2013 quy định về các chính sách: giáo dục; khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường như sau:

- Về chính sách giáo dục - Điều 61:

“1. Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý.

3. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề.”

- Về chính sách khoa học - công nghệ - Điều 62:

“1. Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

3. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.”

- Về chính sách bảo vệ môi trường - Điều 63:

“1. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại.”

32. Chế định bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp năm 2013 được quy định như thế nào? Có điểm gì mới so với Hiến pháp năm 1992?

Chế định bảo vệ Tổ quốc được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Chương 4, gồm 5 điều (từ Điều 64 đến Điều 68). Hiến pháp xác định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, phải được thể hiện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Nếu như Hiến pháp năm 1992 chỉ giới hạn bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì đến Hiến pháp năm 2013, bảo vệ Tổ quốc là “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa” (Điều 65). Hiến pháp năm 2013 khẳng định và làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, “có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp” (Điều 66). Công an nhân dân là lực lượng “nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm” (Điều 67).

(Còn nữa)

Bùi Thị Trang


Ý kiến bạn đọc