Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013
44. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về vị trí, chức năng của Chính phủ? Có gì khác so với Hiến pháp năm 1992?
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, chức năng của Chính phủ tại Điều 94: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đây là lần đầu tiên Hiến pháp chính thức khẳng định tính chất, vị trí của Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp.
45. Cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động của Chính phủ được quy định như thế nào trong Hiến pháp năm 2013 và có gì mới so với Hiến pháp 1992?
- Khoản 1 Điều 95 Hiến pháp năm 2013 quy định cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động của Chính phủ như sau:
“Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số”.
- So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể hơn, bổ sung thành viên là “Thủ trưởng cơ quan ngang bộ” và bỏ cụm từ “các thành viên khác” của Hiến pháp 1992, bổ sung quy định “cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định”.
46. Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Điều 96 Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;
2. Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
3. Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân;
4. Trình Quốc hội quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
5. Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các cấp; hướng dẫn, kiểm tra Hội đồng Nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; tạo điều kiện để Hội đồng Nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do luật định;
6. Bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
7. Tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài;
8. Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
(Còn nữa)
Nguyễn Thị Thao
Ý kiến bạn đọc