Tìm hiểu về Hiến pháp năm 2013
59. Trong Hiến pháp năm 2013, đơn vị hành chính của nước ta được phân định như thế nào và có gì thay đổi so với Hiến pháp năm 1992 không?
- Theo Điều 110 Hiến pháp năm 2013, các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
1. Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
- Hiến pháp năm 2013 tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp 1992 về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta; đồng thời bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, Hiến pháp năm 2013 còn bổ sung quy định “việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
60. Hiến pháp năm 2013 quy định như thế nào về tổ chức của chính quyền địa phương ? Có gì khác so với Hiến pháp năm 1992?
- Theo Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
- So với Hiến pháp năm 1992, về tên gọi, Hiến pháp năm 2013 vừa bổ sung quy định hoàn toàn mới về tổ chức của chính quyền địa phương (chương IX) được xây dựng trên cơ sở đổi tên chương IX (Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân) trong Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp năm 2013 đã làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân trong chính thể của chính quyền địa phương; đồng thời, với quy định tại Điều 111 nêu trên cho thấy không phải ở tất cả các đơn vị hành chính, chính quyền địa phương được tổ chức giống nhau - đây là điểm khác biệt lớn so với Hiến pháp năm 1992.
61. Hiến pháp năm 2013 quy định chính quyền địa phương có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được quy định tại Điều 112 Hiến pháp năm 2013 như sau: Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó.
62. Vai trò, chức năng của Hội đồng Nhân dân được ghi nhận như thế nào trong Hiến pháp năm 2013?
Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của Hội đồng Nhân dân trong tổ chức chính quyền địa phương tại Điều 113. Cụ thể:
- Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên;
- Hội đồng Nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân.
63. Hiến pháp năm 2013 quy định Ủy ban Nhân dân có vai trò, chức năng như thế nào trong bộ máy nhà nước?
Điều 114 Hiến pháp năm 2013 quy định vai trò, chức năng của Ủy ban Nhân dân như sau:
- Ủy ban Nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng Nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
- Ủy ban Nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
(Còn nữa)
Nguyễn Thị Thao
Ý kiến bạn đọc