Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Căn cước công dân năm 2014

10:47, 02/02/2015
Luật Căn cước công dân năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20-11-2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016.
 
Luật Căn cước công dân gồm 6 Chương, 39 Điều, với bố cục cụ thể: Chương I: Quy định chung; Chương II: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Chương III: Thẻ căn cước công dân và quản lý thẻ căn cước công dân; Chương IV: Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; Chương V: Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Chương VI: Điều khoản thi hành. Xin giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật Căn cước công dân năm 2014 để bạn đọc có cái nhìn khái quát và tổng thể về Luật này.

1. Căn cước công dân là gì? Thế nào là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân?

Luật Căn cước công dân quy định về những khái niệm này tại Điều 3 như sau:

- Khoản 1 quy định “Căn cước công dân là thông tin cơ bản về  lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”.

- Theo quy định tại Khoản 4  thì  “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

- Khoản 5 quy định “Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước công dân Việt Nam, được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

2. Căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quản lý theo nguyên tắc nào?

Điều 4 Luật Căn cước công dân quy định về nguyên tắc quản lý căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người và quyền công dân.

- Bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho công dân.

- Thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, an toàn; duy trì, khai thác, sử dụng hiệu quả và lưu trữ lâu dài.

3. Quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quy định như thế nào?

Quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quy định tại Điều 5 Luật Căn cước công dân như sau:

1. Công dân có quyền sau đây:

- Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định;

- Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc thẻ căn cước công dân chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật;

- Được cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật này;

- Sử dụng thẻ căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

2. Công dân có nghĩa vụ sau:

- Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

- Làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật này;

- Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

- Xuất trình thẻ căn cước công dân khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật;

- Bảo quản, giữ gìn thẻ căn cước công dân đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân;

- Nộp lại thẻ căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ theo quy định tại Điều 23 và Điều 28 của Luật này.

Người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều này.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Thao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.