Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Căn cước công dân năm 2014

17:17, 06/02/2015

4. Trách nhiệm của Cơ quan Quản lý căn cước công dân được quy định như thế nào?

Theo Điều 6 Luật Căn cước công dân, Cơ quan Quản lý căn cước công dân có trách nhiệm sau:

- Thu thập, cập nhật chính xác thông tin về công dân.

- Chỉnh sửa kịp thời khi có căn cứ xác định thông tin về công dân chưa chính xác hoặc có sự thay đổi.

- Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.

- Bảo đảm an toàn, bí mật thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu về công dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.

- Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân theo quy định của Luật này.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

5. Luật Căn cước công dân quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm những hành vi cụ thể nào?

Điều 7 Luật Căn cước công dân quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm, đó là:

1. Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.

2. Cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

3. Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân. 

4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Làm lộ bí mật thông tin thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

6. Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước công dân; sử dụng thẻ căn cước công dân giả.

8. Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

9. Thu hồi, tạm giữ thẻ căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

6. Những nội dung thông tin nào về công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Điều 9 Luật Căn cước công dân quy định những thông tin sau đây sẽ được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:

- Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

- Ngày, tháng, năm sinh;

- Giới tính;

- Nơi đăng ký khai sinh;

- Quê quán;

- Dân tộc;

- Tôn giáo;

- Quốc tịch;

- Tình trạng hôn nhân;

- Nơi thường trú;

- Nơi ở hiện tại;

- Nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó;

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp;

- Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ;

- Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

7.  Những ai được quyền khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Căn cước công dân như sau:

- Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

- Công dân được khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này có nhu cầu khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.

(Còn nữa)

Nguyễn Thị Thao


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.