Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

08:49, 27/06/2015

4. Hỏi: Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 20 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa án nhân dân tối cao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

- Giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định.

- Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

- Đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của Tòa án nhân dân.

- Quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án.

- Trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.

5. Hỏi: Tòa án nhân dân cấp cao có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 29 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa án nhân dân cấp cao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

- Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

6. Hỏi: Tòa án nhân dân cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh (Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.

- Phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

- Kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, kháng nghị.

- Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.

7. Hỏi: Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có những nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 44 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật.

- Giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.

8. Hỏi: Tòa án quân sự có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 49 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì các Tòa án quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.

9. Hỏi: Hệ thống tổ chức của Tòa án quân sự bao gồm các Tòa án nào?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 50 của Luật, thì hệ thống tổ chức của Tòa án quân sự bao gồm:

- Tòa án quân sự trung ương.

- Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

- Tòa án quân sự khu vực.

(Còn nữa)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.