Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Hộ tịch năm 2014

05:53, 07/06/2015

46. Cơ quan nào có thẩm quyền thực hiện các việc đăng ký hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài?

Trả lời: Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đăng ký các việc hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài, nếu việc đăng ký đó không trái pháp luật của nước tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

47. Theo Luật Hộ tịch thì cơ sở dữ liệu hộ tịch được hiểu như thế nào?

Trả lời: Cơ sở dữ liệu hộ tịch là nơi lưu giữ toàn bộ thông tin hộ tịch của mọi cá nhân, làm cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, phục vụ yêu cầu tra cứu thông tin, quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch bao gồm Sổ hộ tịch và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, là căn cứ để cấp bản sao trích lục hộ tịch.

 

48. Sổ hộ tịch là gì? Việc sử dụng Sổ hộ tịch được quy định ra sao?

Trả lời: Sổ hộ tịch là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận hoặc ghi các sự kiện hộ tịch.

Việc sử dụng Sổ hộ tịch được quy định như sau :

- Sổ hộ tịch là căn cứ pháp lý để lập, cập nhật, điều chỉnh thông tin hộ tịch của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Mỗi loại việc hộ tịch phải được ghi vào 01 quyển sổ, các trang phải đóng dấu giáp lai; Sổ hộ tịch được lưu giữ vĩnh viễn theo quy định của pháp luật.

- Việc khóa Sổ hộ tịch được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm. Khi khóa Sổ hộ tịch phải ghi rõ tổng số trang và tổng số sự kiện hộ tịch đã đăng ký; người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch ký, đóng dấu.

Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác đã nộp khi đăng ký hộ tịch phải được lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

- Cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản Sổ hộ tịch, giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác liên quan đến đăng ký hộ tịch.

 

49. Thế nào là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử?

Trả lời: Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là cơ sở dữ liệu ngành, được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch.

50. Việc cập nhật, điều chỉnh thông tin hộ tịch cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được quy định như thế nào?

Trả lời: việc cập nhật, điều chỉnh thông tin hộ tịch cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được quy định như sau:

- Các sự kiện hộ tịch của cá nhân ngay sau khi đăng ký vào Sổ hộ tịch đều phải được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử. Cơ quan đăng ký hộ tịch chịu trách nhiệm về mọi thông tin hộ tịch được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

- Trường hợp thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khác với thông tin trong Sổ hộ tịch thì phải điều chỉnh cho phù hợp với Sổ hộ tịch.

 

51. Việc quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch phải dựa trên những nguyên tắc nào?

Trả lời: Việc quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch phải dựa trên những nguyên tắc sau:

 - Cơ sở dữ liệu hộ tịch được quản lý, bảo mật, bảo đảm an toàn; chỉ những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới được tiếp cận và khai thác theo quy định của pháp luật.

- Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch có trách nhiệm bảo đảm bí mật cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

 

52. Sổ hộ tịch được lập, giấy tờ hộ tịch được cấp trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực có giá trị sử dụng như thế nào?

Trả lời: Sổ hộ tịch được lưu trữ trước ngày Luật Hộ có hiệu lực vẫn có giá trị làm căn cứ chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân, tra cứu, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Giấy tờ hộ tịch đã cấp cho cá nhân theo quy định của pháp luật về hộ tịch trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng.

 

53. Hồ sơ đăng ký hộ tịch được thụ lý trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời: Hồ sơ đăng ký hộ tịch được thụ lý trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực mà chưa giải quyết xong thì tiếp tục được giải quyết theo quy định của pháp luật về hộ tịch tại thời điểm tiếp nhận.

(Còn nữa)

Đăng Hưng

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ công
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công để tạo thuận cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, xây dựng nền hành chính công phục vụ, thông thoáng. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trong của cải cách hành chính mà các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đang nỗ lực thực hiện.