Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

08:31, 20/02/2016

13. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết được Luật năm 2015 quy định ra sao?

Trả lời: Việc triển khai xây dựng văn bản quy định chi tiết được quy định như sau:

- Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; định kỳ hằng quý và hằng năm báo cáo Chính phủ.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm xây dựng, ban hành văn bản theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước trong danh mục văn bản quy định chi tiết; định kỳ hằng quý và hằng năm báo cáo tiến độ, tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết với Bộ Tư pháp để theo dõi, tổng hợp báo cáo Chính phủ.

14. Thẩm quyền đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh được quy định như thế nào trong Luật năm 2015?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 111 Luật năm 2015 thì UBND cấp tỉnh, các Ban của HĐND cấp tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp căn cứ văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên, tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan, tổ chức, đại biểu HĐND, có trách nhiệm đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND để quy định chi tiết vấn đề được giao trong văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh.

15. Luật năm 2015 quy định như thế nào về nhiệm vụ của cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết?

Trả lời: Tại Điều 112 Luật năm 2015 thì nhiệm vụ của cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết là:

- Tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá các văn bản QPPL hiện hành có liên quan đến đề nghị xây dựng nghị quyết; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự thảo nghị quyết.

Trong trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản QPPL thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách có liên quan đến nội dung của dự thảo.

- Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến dự thảo nghị quyết.

- Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết; đánh giá tác động của chính sách; dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành nghị quyết sau khi được HĐND thông qua.

- Chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết theo quy định tại Điều 114 của Luật này.

- Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan về đề nghị xây dựng nghị quyết; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý.

Như vậy so với Luật năm 2008 và Luật năm 2004 thì Luật năm 2015 đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, theo đó, việc xây dựng chính sách phải được thông qua, phê duyệt trước khi bắt đầu soạn thảo nghị quyết.

16. Luật năm 2015 quy định như thế nào về trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh?

Trả lời: Tại Điều 113 Luật năm 2015 quy định trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh như sau:

- Cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết và các cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời hạn ít nhất là 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định tại khoản này, việc lấy ý kiến có thể bằng hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến.

- Khi lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo nghị quyết thì cơ quan lấy ý kiến có trách nhiệm xác định những vấn đề cần lấy ý kiến và bảo đảm ít nhất là 10 ngày kể từ ngày tổ chức lấy ý kiến để các đối tượng được lấy ý kiến góp ý kiến vào dự thảo nghị quyết. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan đề nghị xây dựng nghị quyết tổ chức đối thoại trực tiếp về chính sách với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo nghị quyết.

-  Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến về đề nghị xây dựng nghị quyết có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.

 (còn nữa)

Nguyễn Thị Hương

(Sở Tư pháp)


Ý kiến bạn đọc