Tìm hiểu về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015
Câu 20. Thế nào là người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử?
Trả lời:
Người được giới thiệu ứng cử là người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, các cơ quan nhà nước ở Trung ương hoặc địa phương giới thiệu để được xem xét đưa vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Người tự ứng cử là người có đủ điều kiện ứng cử đại biểu Quốc hội, hay đủ điều kiện ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và xét thấy mình có đủ tiêu chuẩn, trình độ, năng lực, có nguyện vọng ứng cử thì nộp hồ sơ ứng cử.
Câu 21. Một người có thể đồng thời ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hay không?
Trả lời:
Công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân tối đa ở hai cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được nộp hồ sơ ứng cử làm đại biểu Hội đồng nhân dân ở một cấp. Như vậy, một người đủ điều kiện ứng cử có thể đồng thời nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội và nộp hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp nữa.
Câu 22. Pháp luật quy định như thế nào về thời gian nộp hồ sơ ứng cử? Hồ sơ ứng cử bao gồm những gì?
Trả lời:
Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
Hồ sơ ứng cử bao gồm: Đơn ứng cử; sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; tiểu sử tóm tắt; ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm; bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Câu 23. Cơ quan nào có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử?
Trả lời:
Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội:
Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội (mỗi người nộp 2 bộ hồ sơ).
Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ ứng cử của người được tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế ở địa phương giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đối với hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân:
Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân nộp một bộ hồ sơ ứng cử tại Ủy ban bầu cử ở đơn vị hành chính mà mình ứng cử. Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.
Câu 24. Xin cho biết, hội nghị hiệp thương là gì?
Trả lời:
Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên được tiến hành ở Trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Hội nghị hiệp thương ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triệu tập và chủ trì.
Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban thường trực Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì để thực hiện công việc của hội nghị hiệp thương ở cấp mình.
Để bảo đảm dân chủ và lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, hội nghị hiệp thương sẽ được tiến hành ba lần: hội nghị hiệp thương lần thứ nhất; hội nghị hiệp thương lần thứ hai; hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Câu 25. Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử bao gồm mấy bước, đó là những bước nào?
Trả lời:
Tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử được tiến hành thông qua 5 bước cụ thể như sau:
Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.
Bước 2: Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của các đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước 4: Lấy ý kiến cử tri ở nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
(Còn nữa)
Bùi Thị Trang (Sở Tư pháp)
[links()]
Ý kiến bạn đọc