Tìm hiểu về Luật Đặc xá năm 2018 (Kỳ 1)
Câu 1. Xin cho biết một số thông tin về Luật Đặc xá năm 2018?
Luật Đặc xá 2018 được Quốc hội thông qua ngày 19-11-2018, bao gồm 6 chương với 39 điều. Luật này quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.
Luật Đặc xá 2018 có hiệu lực từ ngày 1-7-2019 và thay thế Luật Đặc xá năm 2007.
Câu 2. Đặc xá là gì?
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Câu 3. Quyết định về đặc xá là gì? Quyết định đặc xá là gì?
- Quyết định về đặc xá là văn bản do Chủ tịch nước ban hành quy định thời điểm đặc xá, đối tượng, điều kiện của người được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá.
- Quyết định đặc xá là văn bản của Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
Câu 4. Xin cho biết các nguyên tắc thực hiện đặc xá?
Các nguyên tắc thực hiện đặc xá bao gồm: (1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (2) Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch; (3) Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Câu 5. Xin cho biết các chính sách của Nhà nước về đặc xá?
Nhà nước có các chính sách về đặc xá như sau: Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật.
Câu 6. Pháp luật quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá?
Những hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá bao gồm:
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện được đặc xá; không đề nghị đặc xá cho người đủ điều kiện được đặc xá; cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá.
- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá.
- Cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá trái quy định của pháp luật.
- Từ chối cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu mà theo quy định của pháp luật người được đề nghị đặc xá phải được cấp, xác nhận.
- Giả mạo giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá.
Câu 7. Pháp luật quy định thời điểm đặc xá như thế nào?
Luật Đặc xá năm 2018 quy định các thời điểm đặc xá như sau:
- Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
- Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Câu 8. Xin cho biết trình tự, thủ tục ban hành Quyết định về đặc xá?
Trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá như sau: Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc trong trường hợp Chính phủ đề nghị đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng tờ trình của Chính phủ và dự thảo Quyết định về đặc xá. Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình Chủ tịch nước chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá để Chủ tịch nước xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá.
(Còn nữa)
Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc