Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019 (tiếp theo)

08:46, 09/08/2020
[links(left)]
Hỏi: Tôi làm việc ở Công ty X đã được 3 năm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nay tôi nộp đơn xin nghỉ việc và đã báo trước cho công ty 30 ngày nhưng phòng Nhân sự của công ty yêu cầu tôi phải bồi thường nửa tháng lương với lý do tôi đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Cho tôi hỏi, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 thì công ty yêu cầu tôi bồi thường như vậy có đúng không?  (Võ Minh N.)
 
Trả lời: Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động thì:
 
“1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
 
Theo quy định nêu trên, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất là 45 ngày; đối với trường hợp của bạn N., bạn đã ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty X, nay nộp đơn xin nghỉ việc và chỉ báo trước cho công ty trước 30 ngày, như vậy thời gian báo trước cho công ty của bạn N. không đúng quy định của pháp luật.
 
Bạn N. đã thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật được quy định tại Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2019: “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng theo quy định tại các điều 35, 36 và 37 Bộ luật này”.
 
Việc phòng Nhân sự của Công ty X yêu cầu bạn N. phải bồi thường nửa tháng lương với lý do bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là đúng theo quy định của pháp luật, vì Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
 
“1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này”.
 
Như vậy, khi bạn N. đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải thực hiện các nghĩa vụ được quy định nêu trên, trong đó có việc phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
 
Hỏi: Tôi đang là thợ may của một công ty may mặc trên địa bàn thành phố B. Công ty tôi có quy định ngày làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ, được nghỉ trưa từ 12 giờ đến 13 giờ. Xin cho biết, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì thời gian nghỉ trưa có được tính vào thời giờ làm việc hay không?  (Nguyễn Công Đ.)
 
Trả lời: Tại Điều 109 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:
 
“1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
 
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
 
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động”.
 
Như vậy, trong trường hợp của bạn thì thời gian làm việc của bạn là 8 giờ trong một ngày nên theo quy định bạn sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất là 30 phút liên tục; ở đây công ty đã bố trí cho bạn nghỉ 1 giờ liên tục là phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, theo quy định trên thì thời gian nghỉ trưa của bạn sẽ không được tính vào thời giờ làm việc vì người lao động chỉ được tính thời gian nghỉ trưa vào thời giờ làm việc khi làm việc theo ca liên tục từ 6 giờ trở lên.
 
Hỏi: Tôi được biết bên cạnh ngày nghỉ lễ, Tết, nghỉ hằng năm thì pháp luật còn cho phép người lao động được nghỉ việc riêng, nghỉ không lương để giải quyết các công việc cá nhân. Vậy xin cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như thế nào về các trường hợp nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương?  (Nguyễn Minh N.)
 
Trả lời: Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021 quy định, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
 
- Kết hôn: nghỉ 3 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.
 
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
 
Ngoài các quy định nêu trên, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
 
(Còn nữa)
 
Văn Thị Phương Linh (Sở Tư pháp)
 

Ý kiến bạn đọc