Quy định về đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo Hiến pháp năm 2013
Câu 1. Đại biểu Quốc hội có vị trí, vai trò như thế nào?
Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.
Câu 2. Nhiệm vụ và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
Đại biểu Quốc hội có các nhiệm vụ sau:
- Liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri;
- Thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan;
- Thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội;
- Trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri;
- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn, giúp đỡ việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
- Phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đại biểu.
Câu 3. Đại biểu Quốc hội có những quyền gì?
Đại biểu Quốc hội có những quyền sau:
- Chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản.
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu Quốc hội yêu cầu trong thời hạn luật định.
- Tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.
Câu 4. Quyền miễn trừ đối với đại biểu Quốc hội được quy định như thế nào?
Không được bắt, giam giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong trường hợp đại biểu Quốc hội phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Câu 5. Vị trí, vai trò và nhiệm vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?
Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ:
- Liên hệ chặt chẽ với cử tri;
- Chịu sự giám sát của cử tri;
- Thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân;
- Trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri;
- Xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
- Vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
- Động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
Câu 6. Đại biểu Hội đồng nhân dân có những quyền gì?
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Diễm Xuân (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc