Multimedia Đọc Báo in

Học để làm gì ?

13:23, 09/10/2011

Vừa rồi nhân đến dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), Phó  Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một câu hỏi với các em  học sinh: "Các em học  để làm gì?". Ngay sau đó đã lại làm dấy lên những tranh luận, trao đổi trên các diễn đàn. Đây thực ra là một câu hỏi không mới nhưng chắc là không bao giờ cũ. Mỗi người tùy theo hoàn cảnh của mình mà đưa ra câu trả lời rất đa dạng. Khoan hãy phê phán đúng sai, lập trường này nọ...mà hãy hướng ăng-ten ra nhiều phía, thu nhận thêm nhiều thông tin hẳn là sẽ có ích cho những người có trách nhiệm.

Cũng nhân dịp khai giảng năm học này, thầy giáo Văn Như  Cương có nói: “Trong cuộc đời mỗi người thì quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường là đẹp nhất và quyết định nhất cho tương lai. Sự lười biếng hôm nay chính là con đường dẫn đến một tương lai mờ mịt”. Như vậy, theo Thầy Cương học là để bảo đảm có một tương lai tươi sáng. Không biết có ai hoài nghi lời của một vị giáo sư khả kính không?

Riêng tôi, hồi nhỏ cứ hễ chểnh mảng học hành là bố tôi lại đe: “Học hành như thế  sau rồi đi ăn mày con ạ!” Làng tôi hồi đó nghèo đói quanh năm nhưng chẳng thấy ai đi ăn mày cả. Có lẽ do mọi người lúc bấy giờ nêu lên một nguyên tắc sống và lấy đó làm chuẩn mực: thà đói nhưng không hèn. (Bây giờ nhiều người giàu có vẫn cứ hèn như thường thế mới lạ!). Còn tôi nghe bố dọa thế là sợ run, cắm đầu mà học, học để khỏi phải đi ăn mày, để khỏi hèn. Lớn lên, đi học rồi đi công tác được tiếp cận với lời Bác Hồ dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Đó là tư tưởng lớn của vĩ  nhân, mình tự nhủ cố học để “làm việc, làm người”, được như vậy cũng đã là  “học tập và làm theo tấm gương của Bác” rồi.

Mục đích của sự học như Bác Hồ đã nêu có nhiều điểm trùng khớp với tinh thần của UNESCO khi  đưa ra một tầm nhìn về giáo dục cho thế kỷ XXI dựa trên bốn trụ cột: học để biết; học để làm; học để tự khẳng định mình; học để cùng chung sống, trong đó học để cùng chung sống được coi là một trụ cột quan trọng, then chốt của giáo dục hiện đại.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, cũng như quán triệt sâu sắc mục tiêu giáo dục của UNESCO nhưng cũng luôn vẳng bên tai lời cảnh báo giản dị mà nghiêm khắc của bố tôi ngày nào: học để khỏi hèn!

Trương Thị Hiền

Ý kiến bạn đọc