Multimedia Đọc Báo in

Dạy trẻ từ thuở còn thơ

14:43, 26/01/2013

Theo ý kiến của những bậc làm cha mẹ có kinh nghiệm, đối với việc hình thành nhân cách của trẻ, điều quan trọng nhất là giáo dục chứ không phải do bẩm sinh; con cái trở thành thiên tài hay vô dụng không phải được quyết định bằng lực bẩm sinh mà chính là sự giáo dục từ khi chào đời đến tuổi trưởng thành. Thực tế cho thấy, bên cạnh những đứa trẻ năng động, thông minh, tinh nghịch vẫn tồn tại những trẻ nhút nhát, thiếu mạnh dạn trong các hoạt động học tập, vui chơi và sinh hoạt. Biểu hiện dễ thấy nhất là các em thường rụt rè, ít nói, không thích đi chơi khi ở nhà hoặc trước đám đông; trong học tập, các em thường e dè trước bạn bè, ngại phát biểu, diễn đạt không trôi chảy, thiếu kỹ năng trong giao tiếp. Nắm bắt được điều đó, ngay từ nhỏ, cha mẹ nên dạy cho trẻ những cách ứng xử, nói năng đúng chuẩn mực.

Trước hết, cha mẹ nên tạo nhiều cơ hội cho trẻ tư duy, suy nghĩ giải quyết rắc rối của bản thân với bạn bè bằng cách cho trẻ tham gia vào các tình huống, chơi các trò chơi và tiếp xúc với nhiều người khác ngoài những người thân và gia đình. Nhờ đó về sau trẻ mới sẵn sàng tự giải quyết những điều phức tạp xảy ra trong cuộc sống. Cha mẹ nên khuyến khích tinh thần độc lập suy nghĩ, biết tự phán đoán và rút ra kết luận của trẻ; đừng bao giờ “đóng đinh” vào óc trẻ những quy định bất di bất dịch, những công thức cứng đờ, làm mất khả năng vận động tư duy và ứng biến linh hoạt, sáng tạo của trẻ.

Trong cuộc sống nhiều bộn bề, tấp nập như hiện nay, cha mẹ cần dành nhiều thời gian và cơ hội để trò chuyện, tâm tình cùng con trẻ. Chẳng hạn như khi các trẻ ở nhà, khi đưa các trẻ đi chơi, khi đi ăn uống hay mua sắm…, cần khuyến khích trẻ nhận xét và nói lên cảm tưởng về người và những sự việc xung quanh; tận dụng tất cả những dịp tốt để quan tâm, gần gũi với trẻ. Hạn chế việc dùng đòn roi, đánh chửi trẻ khi trẻ mắc lỗi mà nên dùng lời nói nhẹ nhàng, lời khuyên hữu ích để trẻ tự nhận thức.

Khi trẻ đến trường, các thầy cô giáo cần tạo cơ hội cho các em tham gia các hoạt động vui chơi ngoại khóa, điều khiển cho trẻ học tập theo hình thức hoạt động đội, nhóm, tạo nhiều cơ hội để trẻ tự thể hiện mình. Phát triển những kỹ năng giao tiếp sẽ giúp các em tự tin hơn trong học tập, có khả năng làm việc theo năng lực, không nhút nhát, rụt rè trước đám đông, biết mạnh dạn nêu ý kiến, quan điểm của mình...

Hình thành được kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho trẻ đã khó, giữ và phát triển nó lại càng khó hơn. Có nhiều gia đình chỉ vì cha mẹ quá bận rộn với việc mưu sinh, hay do cuộc sống gia đình không hạnh phúc, ly tán, ly hôn... mà thiếu sự quan tâm và giáo dục con cái. Khi con cái mất đi chỗ dựa tinh thần, vô tình cha mẹ đã đẩy con em mình vào bế tắc trong cuộc sống, dễ sa vào con đường hư hỏng. Vì thế, ngoài quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc, người cha, người mẹ cùng ông bà trong gia đình phải thật sự là tấm gương sáng, sống động nhất để trẻ học tập, noi theo.

Văn Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.