Multimedia Đọc Báo in

Dành cho các bậc cha mẹ:

Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ

07:43, 21/07/2013
Nhân cách của mỗi con người không phải có sẵn mà phải được rèn luyện và hun đúc từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành. Vì vậy, việc nuôi dạy trẻ biết cách yêu thương, chia sẻ ngay từ nhỏ sẽ là những bước nền tảng để trẻ trở thành người có nhân cách tốt trong tương lai.

Muốn cho trẻ có được tình yêu thương khi còn nhỏ, trước hết phải bắt nguồn từ vai trò gia đình. Đó có thể chỉ đơn giản là sự yêu quý, nhớ thương, gắn bó của trẻ với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dành cho con những cử chỉ âu yếm, những nụ hôn, những lời ru dịu ngọt, vì những cử chỉ và hành động đó sẽ giúp bé cảm nhận được sự dịu dàng, ngọt ngào của tình yêu thương của cha mẹ dành cho mình, trẻ sẽ ấp ủ trong những mong muốn được thể hiện lại tình yêu thương đó với mọi người. Khi bé lớn lên, hãy khuyến khích bé thể hiện tình cảm với những người xung quanh và thể hiện tình yêu thương qua những ý tưởng độc đáo và đáng yêu để giúp đỡ mọi người. Muốn vậy, trẻ cần được lớn lên trong những gia đình hòa thuận, được chăm sóc, dạy dỗ chu đáo. Việc dạy con có thể bắt nguồn từ các câu chuyện nhỏ, cha mẹ có thể hỏi con những câu hỏi đơn giản như: “Con yêu thương ai nhất?”, “Con yêu ai nhất trong gia đình?”, “Con thích chơi với bạn nào? Vì sao?”,... có như vậy, bé sẽ dần hiểu được thế nào là yêu thương. Thực tế cho thấy, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình sống hòa thuận, êm ấm, các thành viên yêu thương đùm bọc lẫn nhau, ít khi cãi cọ hay tranh chấp, trẻ thường ngoan ngoãn, lễ phép và có lòng nhân hậu. Ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình thiếu hòa thuận, cha mẹ luôn xung đột cãi cọ, ít quan tâm đến con cái, thậm chí  là cha mẹ sống ly thân sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cách của trẻ, trẻ dễ bị ích kỷ, tự ti, xấu hổ và nhút nhát sau này.

Tình yêu thương của trẻ không chỉ dừng lại ở tình cảm trong phạm vi gia đình mà còn là tình cảm với các bạn đồng trang lứa, những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Ở trường, hãy dạy trẻ sống chan hòa, biết chia sẻ đồ ăn, chia sẻ sách vở với các bạn còn khó khăn; khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động tập thể, cùng trẻ chọn quần áo và đồ chơi cũ để ủng hộ và quyên góp những bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Trong xã hội với nhịp sống gấp gáp như hiện nay, việc dạy con cái cũng là một nghệ thuật. Bởi khi càng lớn, tính cách của trẻ sẽ càng thay đổi. Trẻ sẽ có nhiều tính cách và cách cư xử khác nhau như: có trẻ nảy sinh tính ích kỷ, nhỏ nhen, có trẻ rơi vào thực dụng, tham lam, có trẻ lại tỏ ra yếu đuối, nhút nhát và phụ thuộc vào cha mẹ… Nắm bắt được điều đó, các bậc cha mẹ cần phải có cách nuôi dạy con cái phù hợp với từng biểu hiện về tính cách của trẻ. Yêu thương không phải lúc nào cũng là chiều chuộng con cái, bỏ mặc những sai lầm của con khi con làm việc xấu, nói bậy hay cãi lại cha mẹ… Những lúc như vậy, cha mẹ cần phải nghiêm khắc với con, hãy dùng kỷ luật chứ không phải hình phạt thể xác khiến con trở nên nhút nhát, mất tự tin hay sợ hãi. Hãy là tấm gương sáng để con nói theo, để con kính trọng, tự hào, đó chính là cách để con thể hiện yêu thương với cha mẹ của mình.

Văn Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.